Cô bé 16 tuổi viết sách về việc từng bị bắn
(Guardian) - Malala bị bắn vì em đã hoạt động tích cực ủng hộ cho việc nữ giới phải được đến trường ở Pakistan.
Thương vụ chuyển giao bản quyền cuốn sách của Malala cho nhà xuất bản dự đoán trị giá 2 triệu bảng Anh (tương đương hơn 64 tỉ VND). Hiện tại Malala đang theo học tại một ngôi trường ở Birmingham, Anh.
“Cháu muốn kể câu chuyện về cuộc đời mình, đó cũng đồng thời là câu chuyện của những trẻ em không được đến trường. Hy vọng cuốn sách này sẽ hỗ trợ đắc lực cho những chiến dịch nhằm giúp đỡ trẻ em tới trường. Giáo dục là một quyền cơ bản của con người.”
Hình ảnh Malala trong bệnh viện lúc mới gặp nạn.
Sau khi sang Anh để được điều trị vết thương ở đầu, cô bé Malala bắt đầu viết blog, những bài viết của Malala về cuộc sống tại quê nhà ở Pakistan rất thu hút sự quan tâm của độc giả. Phần kịch tính nhất trong loạt bài viết kể về cuộc sống của em hồi năm 2009, khi đó quân đội Taliban đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và trong một số thời điểm đã cấm không cho các trẻ em nữ tới trường.
Malala Yousafzai khi đó đã thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông của Pakistan để lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho các bạn nữ được tới trường. Cô bé sau đó được đề cử nhận giải Vì hòa bình của trẻ em thế giới (International Children's Peace Prize). Tháng 12/2011, Malala cũng được nhận giải nhất Tuổi trẻ vì hòa bình của Pakistan (National Youth Peace Prize).
Vào tháng 10/2012, một tay súng đã chặn chiếc xe buýt của nhà trường khi Malala đang ngồi trên đó, sau khi tìm thấy cô bé, hắn đã bắn một viên đạn vào đầu Malala nhưng may mắn em vẫn sống sót. Sau đó, Malala được đưa tới Anh chữa trị để phục hồi toàn diện và giờ đây em đã có thể tới trường học tập trở lại.
Trong cuốn sách, có một đoạn cô bé viết như sau: “Tôi đến từ một đất nước sinh ra lúc nửa đêm... Tôi tưởng mình đã chết vào buổi trưa thứ 3, ngày 9/10/2012. Đó chắc chắn không phải một ngày tuyệt vời để ra đi bởi lúc đó chúng tôi đang bước vào một kỳ thi lớn ở trường. Đối với một cô gái mọt sách như tôi, tôi không sợ bọn họ (binh lính Taliban) nhiều như các bạn bè khác.
Khi tai họa xảy ra, tôi đang chuẩn bị kết thúc một ngày ở trường. Chúng tôi, gồm có các thầy cô giáo và các bạn học sinh đang cùng ngồi trên chiếc ghế băng dài trong thùng một chiếc xe tải mà chúng tôi vẫn gọi là xe buýt của trường. Thùng xe không có cửa sổ, chỉ là những tấm nhựa dày rung bần bật ốp ở hai bên thùng xe. Bụi đường đã khiến chúng chuyển thành màu vàng đất, chẳng thể nhìn xuyên qua được nữa...”
Cô bé trong những ngày bình phục đầu tiên.
Sau khi bị một tay súng của quân đội Taliban bắn, Malala đã được trao nhiều giải thưởng hòa bình. Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-Moon tuyên bố Liên hợp quốc sẽ kỷ niệm Ngày Malala vào ngày 10/11 tới đây.
Đại diện nhà xuất bản Weidenfeld & Nicolson của Anh – đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách “I am Malala” cho biết: “Cuốn sách này sẽ là minh chứng cho lòng dũng cảm, sự gan dạ và tầm nhìn của một cô bé còn rất trẻ. Malala quá trẻ so với những gì mà em đã trải qua. Chúng tôi tin rằng cuốn sách kể về cuộc đời Malala sẽ truyền cảm hứng cho người đọc ở nhiều thế hệ khác nhau – những người tin vào quyền bình đẳng trong giáo dục và quyền tự do để được theo đuổi nó”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhân chứng sống vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân gặp ‘biến’, hé lộ thông tin đáng chú ý
“Hoàng tử mắt hí” của màn ảnh Việt: Chưa lấy vợ, bất ngờ thông báo lên chức bố ở tuổi 42
Thu nhập một đêm của Ngân 98 gây choáng: Cát xê hàng trăm triệu, tiền bo xếp thành cọc
Các sự kiện hấp dẫn không nên bỏ lỡ ở Festival Ninh Bình lần thứ III
Hàng trăm ngôi sao hội tụ tại '’Bước chân di sản 2'’ của siêu mẫu Hạ Vy và Hoàng Công Cường
Triển lãm "Sáng Đạo Trong Đời": Chuỗi hoạt động nghệ thuật lan tỏa tinh thần Phật giáo