Con đường làm giàu từ 2 bàn tay trắng của tỷ phú Việt
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Tuổi thơ cơ hàn
Không chỉ là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Phạm Nhật Vượng còn là một trong 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất thế giới năm 2013. Liên tiếp 4 năm liền ông đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt.
Ngày mà Forbes (tạp chí kinh tế uy tín của Mỹ) vinh danh vị tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) thì tên Việt Nam chính thức lọt vào bản đồ tỷ phú thế giới. Giới doanh nhân nói riêng và người Việt nói chung còn trầm trồ thán phục tài kinh doanh của vị lãnh đạo trẻ này hơn nữa khi biết được câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm của ông.
Sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông chỉ có duy nhất một ước mơ đó là làm sao cho gia đình bớt khổ.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế địa chất lại Moscow, ông Vượng cưới bà Phạm Thu Hương rồi đôi vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống. Thời điểm đó cũng là lúc Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga rơi vào vòng xoáy lộn xộn và trở nên kiệt quệ của giai đoạn tư bản hóa dưới thời Yeltsin. Và đây cũng là lúc câu chuyện khởi nghiệp mì gói huyền thoại của chàng trai nghèo bắt đầu. Ông Vượng vay mượn bạn bè được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên là Thăng Long.
Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Technocom cũng ra đời từ đó, lúc đầu còn xa lạ với người dân Ukraine nhưng sau đó lại nhanh chóng được đón nhận. Những năm tháng tiếp sau đó Technocom kinh doanh rất thuận lợi, liên tục mở nhà máy mới mà vẫn không đủ sản phẩm để bán, khi đó sản phẩm mì gói Minava trở thành một thương hiệu đặc biệt hấp dẫn với người dân Ukraine.
Tiếp tục mở rộng thị trường của mình bằng cách sản xuất thêm bột canh, Technocom lại một lần nữa làm hài lòng các bà nội trợ nơi đây. Nhưng cũng giống như bất kì doanh nghiệp mới khởi nghiệp nào khác, Phạm Nhật Vượng gặp những khó khăn về vốn đầu tư. Thời gian đầu, ông vay mượn gần 100.000 USD từ một số bạn bè là người Việt kinh doanh tại Nga với mức lãi suất lên tới 8% mỗi tháng. Phải mãi vài năm sau này ông mới trả hết số vốn vay mượn được. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi ông vay được nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngân hàng Tái cấu trúc Châu Âu với mức lãi suất 12% một năm. Nhờ đó mà Technocom có cơ hội đẩy mạnh sản xuất hai thương hiệu mì và bột canh để trở thành ông vua thực phẩm ăn nhanh của Ukraine .
Sau đó, doanh nhân này quyết định đầu tư về Việt Nam. Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraine) về Hà Nội, Việt Nam.
Vốn là người theo đạo Phật, lại luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng được trở về làm giàu cho quê hương , Phạm Nhật Vượng quyết định đầu tư về Việt Nam. Và Nha Trang là nơi đầu tiên ông Vượng nghĩ tới khi trở về nước bởi theo ông thì nơi đây là một địa điểm lí tưởng lại chưa có nhiều nhà đầu tư. Quyết định biến Hòn Tre thành khu nghỉ dưỡng cao cấp của ông Vượng vào thời điểm đó bị cho là thiếu suy nghĩ và hoang phí. Chỉ sau khi Vingroup xây đường cáp treo vượt biển để nối Vinpearl với đất liền thì những y kiến trái chiều mới lắng xuống. Vinpearl giờ đây đã trở thành một trong những sản phẩm hàng đầu của Vingroup.
Kể từ khi đầu tư về Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua, những bước đi của Vingroup đã phần nào thể hiện quan điểm đầu tư trên: liên tục xây dựng, bán, xây dựng tiếp. Tốc độ phát triển kinh ngạc của Vingroup khiến các nhà đầu tư bất động sản quốc tế đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực. Với những thành công này, Phạm Nhật Vượng xứng đáng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, chưa khi nào ông nghĩ mình lại có được trong tay một tập đoàn đồ sộ như thế này. Trước đây, khi nhà máy mỳ bắt đầu có lợi nhuận vào năm 1997-1998, lúc đó ông từng nghĩ khi nào mình có 2 triệu USD thì nghỉ làm, đi chơi. Thế nhưng, ông Vượng đã không dừng lại ở 2 triệu USD và cũng không nghỉ làm việc để đi chơi. Công việc cuốn ông đi và ngày hôm nay, Vingroup là một tập đoàn giá trị khoảng 74.980 tỷ đồng, tuyển dụng hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp. Riêng ông nắm giữ số cổ phiếu đạt 19.780 tỷ đồng trong Vingroup.
Tỷ phú Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức): Từ một cậu bé chăn trâu
Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em (có tới 8 anh chị em). Tuổi thơ của cậu bé Đoàn Nguyên Đức là những ngày dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất…làm đủ mọi thứ để giúp gia đình có bữa cơm no bụng, cái áo ấm để mặc. Từ bé, bầu Đức đã ước mơ được vào giảng đường, quyết học thành người để thoát cảnh nghèo.
Thế nhưng, dường như chàng trai Đoàn Nguyên Đức không có duyên với cánh cửa Đại học, khi thi 4 lần đều không đỗ. Gạt đi nỗi buồn không vào được Đại học, thanh niên 22 tuổi quyết bám trụ ở TP.HCM, làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng.
Khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Năm 1993, khi tròn 30 tuổi, bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, xí nghiệp này trở thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.
Không có bằng đại học, nhưng bầu Đức luôn tự hào mình được đào tạo đầy đủ ở trường đời. Công ty HAGL bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng. Với 55% cổ phần trong tập đoàn, ông Đức đã dẫn đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008 với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG.
Cũng trong 2008, một cột mốc đánh dấu sự giàu có của bầu Đức, khi ông mua chiếc máy bay Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD. Chiếc máy bay không chỉ phục vụ công việc với bầu Đức, mà còn chở ông bầu máu bóng đá đi xem các giải đấu lớn. Bầu Đức từng dùng Beechcraft King Air 350 để tới Phuket (Thái Lan) xem một trận đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008. Cho đến thời điểm đó, bầu Đức là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng.
Theo báo cáo tình hình quản trị 2015 của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, tại thời điểm 21/12/2014, bầu Đức nắm giữ gần 343 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 43,39% vốn HAG. Theo thị giá HAG ngày 22/1/2015, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức đạt gần 7.650 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán tại Việt Nam.
Ông vua cafe Đặng Lê Nguyên Vũ: Tuổi thơ bẻ ngô, chăn lợn
Là một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Cùng nhìn lại những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của doanh nhân tài ba này.
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bố mang bệnh nặng, gia cảnh sa sút, nên từ nhỏ Đặng Lê Nguyên Vũ đã hình thành ý chí làm giàu. Tuổi thơ thời đi học của anh là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Năm 1990, anh thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên và làm thêm kiếm sống. Khi học đại học năm thứ ba, anh mơ về giấc mơ “Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và Mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn” tại nhà máy cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk.
Năm 1996, anh cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cafe bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy.
Ông vua cà phê Việt - Đặng Lê Nguyên Vũ, doanh nghân được tạp chí Forbes ca ngợi là nhân vật “zero to hero” (từ vô danh thành anh hùng), từ một cậu sinh viên nghèo của trường Đại học Y Tây Nguyên, học đến năm thứ 3 thì nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ và quyết định bỏ học xuống TP. HCM với 100.000 đồng. Nhưng với nhiều khó khăn, sau đó Đăng Lê Nguyên Vũ quyết định quay trở lại giảng đường và bắt đầu ước mơ khởi nghiệp với cà phê.
Năm 1996, cùng 3 người bạn, sau rất nhiều ngược xuôi, mở lò rang, xay, hết bằng tay đến bằng điện..., một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột được mở ra. “Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống càphê ưa chuộng”, rồi “Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn”, Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ.
Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên, khi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán càphê miễn phí. Cũng từ đó, thương hiệu cà phê Trung Nguyên dần trở thành một thương hiệu càphê số một Việt Nam và vươn ra thế giới.
Đến tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.
Năm 2014, theo nhận định của giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam, tài sản cá nhân của Đặng Lê Nguyên Vũ hiện có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là một con số khổng lồ so với một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD như Việt Nam.
Ngoài việc xây dựng cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu quốc tế, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn khát khao và có một hoài bão là góp sức mình đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu, chinh phục và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Ông xác định 3 mục tiêu phải làm là: toàn cầu hóa Trung Nguyên; đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh; theo đuổi học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu.
Đại gia phố núi Nguyễn Thị Liễu - Cô thợ may lành nghề
Nguyễn Thị Liễu, một doanh nhân đình đám, được chú ý trong vài năm trở lại đây, khi nữ đại gia này tổ chức đám cưới triệu đô cho con trai. Cũng sau đám cưới đình đám phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, người ta biết nhiều hơn về Nguyễn Thị Liễu là một nữ doanh nhân thành đạt và tài giỏi.
Trước khi thành đại gia, bà Liễu từng phải bươn chải vừa đi học vừa bán hàng kiếm tiền gửi cho mẹ. Từng tự thân một mình lên Sài Gòn năm 16 tuổi học nghề may và mở cửa hàng cắt may tại quê nhà.
25 tuổi, bà quyết định sang Lào lấy hàng để buôn bán từ mặt hàng nhỏ dần dần buôn với vốn liếng lớn hơn. Năm 1995, có chút vốn và có tiếng làm quen, bà sang Thái Lan cùng bạn bè kinh doanh bất động sản.
Bà cũng từng kinh doanh quần áo Trung Quốc tại các thị trường ở các nước Áo, Tiệp, Đức. và mua các đồ điện, máy móc đã qua sử dụng bán sang Thái Lan và xuất khẩu gạo từ Thái Lan sang Nigieria.
Theo báo Vietnamnet đưa tin, căn biệt thự nhiều tầng tại phố Nguyễn Du, Hà Nội, là quà cưới của đại gia Nguyễn Thị Liễu tặng cho vợ chồng con trai vào năm 2012. Giá đất tại Nguyễn Du khi đó được định giá hơn 600 triệu/m2, và trị giá căn biệt thự có giá vào khoảng 137 tỷ đồng.
Không hài lòng với phong thủy, đại gia Nguyễn Thị Liễu mới đây gây sốc cho dư luận khi quyết định đập bỏ hoàn toàn căn nhà 137 tỷ đồng tại Nguyễn Du, Hà Nội để xây mới. Bỏ đi căn nhà cũ trị giá trăm tỷ đồng, xây thêm mới cũng tốn thêm vài trăm tỷ nữa, độ chơi ngông của nữ đại gia phố Núi khó có nam đại gia nào ở Việt Nam có thể sánh bằng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo