Con đường trở thành tỷ phú đôla của nữ CEO Vietjet
Ngày 19/3, Tạp chí danh tiếng của nước Mỹ Forbes đã công bố danh sách những người sở hữu tài sản nhiều nhất trên thế giới năm 2017. Đáng chú ý, trong đợt công bố này, Việt Nam xuất hiện 2 tỷ phú USD là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và người sáng lập kiêm CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới với khối tài sản lên tới 1,2 tỷ USD, đứng thứ 1.678 thế giới. Bà Thảo là nữ tỷ phủ đầu tiên của Việt Nam và cũng là nữ tỷ phú đôla duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bà Thảo hiện đang đảm đương nhiều chức vụ hơn chồng ở các doanh nghiệp trong nước, như Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet và là cổ đông sáng lập của Sovico Holdings. Để có thể lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD thế giới, bà Thảo cũng đã phải trải qua nhiều chặng đường gian nan.
Theo Wikipedia, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow, Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động Trường Kinh tế Quốc dân Moscow.
Bà đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài chính - ngân hàng. Bà đã và đang tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng, định chế tài chính, công ty quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài.
Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bản thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.
Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax, đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị...
Vốn liếng của CEO Vietjet lúc bấy giờ chỉ là chữ tín và sự lao động chăm chỉ của bản thân. Nhờ khởi nghiệp thành công và có niềm tin, chỉ sau 3 năm khi mới 21 tuổi, bà đã có 1 triệu USD đầu tiên (thời đó là rất lớn) nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao xu tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.
Sau khi trở về Việt Nam từ Đông Âu, bà Thảo đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bất động sản khi góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB - 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Trên cương vị nào bà cũng để lại dấu ấn và đều rất thành công. Những cán bộ dưới quyền CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, đa số là đàn ông, đều khâm phục sức làm việc phi thường của bà, còn nhân viên nữ thì luôn coi bà như một thần tượng để phấn đấu. Với bà Thảo một ngày bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 2h sáng hôm sau là bình thường.
Có một đặc điểm sau này trở thành tính cách kinh doanh của bà Thảo, đó là không có hứng thú làm chuyện cò con. Xưa đến nay bà chưa bao giờ làm nhỏ, các công ty người ta chung nhau một container, thì bà phải làm một lúc cả trăm container. Hoặc nếu chở hàng băng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tầu, thì bà dùng đến cả đoàn tàu.
Năm 2007, khi Việt Nam công bố “mở cửa bầu trời”, cấp phép cho hàng không tư nhân hoạt động, bà Thảo cùng một số thành viên sáng lập Công ty cổ phần Hàng không Vietjet với tham vọng “trở thành hãng hàng không uy tín và được ưa thích nhất tại Việt Nam và khu vực”, hãng bay của bà Thảo phát triển "như diều gặp gió" và hiện tại đã trở thành hãng bay lớn nhất Việt Nam.
Tháng 9/2013, bà Phương Thảo và chồng bà Nguyễn Thanh Hùng được báo chí và dư luận quan tâm, sau khi có thông tin VietJet Air của họ đặt mua 100 máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD.
Ngày 28/2/2017, Vietjet đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE), với việc sở hữu khoảng gần 98 triệu cổ phiếu VJC thì ngay thời điểm đó bà Thảo đã trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ngày 8/3/2017, bà Thảo cũng lọt vào danh sách các nữ tỷ phú tự thân của tạp chí Forbes.
End of content
Không có tin nào tiếp theo