Con gái thất lạc mẹ 42 năm: Những manh mối đầu tiên
Tin tức trên báo Infonet, chuyên viên phòng Tư pháp quận Ba Đình đã tìm được 5 người nữ có cùng ngày sinh (10/10/1974) với chị Tạ Thị Thu Trang - "bé gái" bị trao nhầm mẹ 42 năm trước và đều cùng sinh tại nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội.
Chiều 11/3/2016, anh Nguyễn Trung Thành (chồng chị Trang) đã tới UBND quận Ba Đình để nhờ giúp đỡ, tìm kiếm thông tin về những người sinh cùng ngày với vợ mình có đăng ký hộ khẩu tại quận này với hy vọng qua đó tìm được cha mẹ đẻ của chị Trang.
Được sự đồng ý và tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo quận Ba Đình và phòng Tư pháp quận, anh Thành đã được chị Trần Thị Tuyết Thu, chuyên viên phòng Tư pháp quận Ba Đình tra cứu hồ sơ và cung cấp những thông tin rất quan trọng. Sau một thời gian tìm kiếm, chị Thu đã tìm được những người có cùng ngày sinh với chị Trang và có hồ sơ ghi rõ sinh tại nhà hộ sinh (NHS) Ba Đình.
Tuy nhiên, với mong muốn giúp đỡ chị Trang sớm tìm được mẹ đẻ của mình, chị Thu đã tiếp tục dò tìm thêm cho chồng chị Trang thông tin những người sinh trước và sau ngày chị Trang ra đời một hôm. Đã có 10 người được khoanh vùng lại.
“Trong số này tỷ lệ tìm được là 50- 50. Bởi có 2 tình huống xảy ra. Hoặc là công dân tại quận Ba Đình đi sinh tại nhà hộ sinh Ba Đình - được đăng ký hộ khẩu tại quận và lưu giữ hồ sơ tại quận hoặc là công dân quận khác nhưng đến sinh tại nhà hộ sinh Ba Đình- những trường hợp này sẽ không có hộ khẩu ở đây. Hy vọng là người nhận nhầm con sẽ chỉ trong quận”- chị Thu cho biết.
Rất nhiệt tình, chị Thu còn dặn chồng chị Trang, đi xác minh, tìm hiểu 10 trường hợp trong quận trước. Nếu không đúng thì chị Thu sẽ nhờ đồng nghiệp ở các quận khác tìm tiếp.
Chị Tạ Thị Thu Trang - người bị trao nhầm cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (ở phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) ngay từ lúc mới chào đời cách đây 42 năm - chia sẻ trên báo An ninh thủ đô: “Gần nửa năm qua, kể từ ngày biết được sự thật về thân phận của mình, tôi đã tìm đủ mọi cách, lặn lội đủ mọi nơi, ai khuyên gì cũng làm theo đó, thậm chí viết thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tôi cũng đã làm rồi. Bằng linh cảm của mình, tôi vẫn tin một ngày gần đây mình sẽ tìm lại được bố mẹ đẻ của mình”.
Vào ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh chuyển dạ tại Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội - sau này là Nhà hộ sinh 12 Lê Trực) và sinh ra một bé gái. Sau khi chào đời, con gái bà được đánh số vào chân cùng một số với mẹ là 33, rồi được chuyển ra ngoài chăm sóc.
Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy, số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là số 32. Biết có sự nhầm lẫn, bà và chồng nhanh chóng tìm các bác sĩ, y tá để hỏi nhưng được giải thích rằng, do lúc tắm cho bé, số 33 bị mờ, mất móc nên thay bằng số 32, chứ không phải nhầm con.
Vì những đứa trẻ cận kề số 33 đều đã được gia đình đưa về nhà, nên vợ chồng bà đành ôm đứa trẻ số 32 về. Bé gái được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Kể từ đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nuôi nấng và yêu thương Thu Trang như con ruột của mình suốt hơn 40 năm qua. Bằng linh cảm của một người mẹ, bà Hạnh luôn cảm nhận được Trang không phải con đẻ của mình.
Mãi đến tháng 10 năm ngoái, sau rất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà quyết định nói ra sự thật cho chị Trang biết vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 41 của người con gái mà bà đã coi như con đẻ của mình ngần ấy năm qua.
Quyết định nói ra sự thật của bà Hạnh được lý giải với ba mục đích. Thứ nhất, bà hy vọng biết được sự thật thì cô con gái Tạ Thị Thu Trang có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình. Thứ hai, biết được sự thật thì gia đình bà Hạnh có thêm cơ hội tìm lại được đứa con bị trao nhầm cho người khác 42 năm trước. Và thứ ba, biết được sự thật thì bản thân bà cũng được thanh thản, nhẹ nhõm hơn!.
End of content
Không có tin nào tiếp theo