Tin tức - Sự kiện

Nghẹn ngào nước mắt của con gái thất lạc mẹ 42 năm

(DNVN) - Dù người mẹ biết đứa con trao nhầm không phải là con đẻ nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm, thương yêu suốt 42 năm. Đến khi bà mẹ nói ra sự thật, cô con gái nghẹn ngào trong nước mắt.

Tin tức trên báo Dân trí, Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội) xác nhận câu chuyện nhầm con tại bệnh viện là hoàn toàn có thật và xảy ra ngay trong chính gia đình của mình.  Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực còn khi đó có địa chỉ ở phố Phan Huy Ích (Ba Đình, Hà Nội). Khi đó, bà Hạnh được đánh số thứ tự là 33 nhưng trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ lại là 32. Thắc mắc hỏi bác sỹ thì bà chỉ nhận được câu trả lời: “Đi tắm nên bị mờ nhưng đây chắc chắn là con của chị”.

Nước mắt nghẹn ngào của con gái bị thất lạc mẹ 42 năm. Ảnh báo Thanh niên.

Bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn con giữa hai gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện. Thời điểm đó, tại nhà hộ sinh Ba Đình chỉ có khoảng 10 đứa trẻ nhưng không có ai đánh số 33: “Có thể, gia đình đó đã nhận con ra về nhưng cũng không loại trừ khả năng, bác sỹ trong lúc sơ ý đã đánh nhầm số thứ tự dẫn đến 2 đứa trẻ cùng mang số 32 gây ra việc nhầm lẫn hy hữu này...”, bà Hạnh phán đoán.

Sau đó, dù linh cảm không phải con mình, nhưng bà Hạnh cùng chồng vẫn hết lòng chăm sóc, yêu thương và đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Năm 1998, nỗi day dứt về việc để thất lạc con đẻ khiến bà Hạnh quyết định âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ. Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà Hạnh giấu kín cho riêng mình. 

Tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh đã quyết định nói ra sự thật với hi vọng con gái có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình và cũng để bản thân được thanh thản. 

Trao đổi với PV Dân trí khi đang ở nước ngoài, bà Hạnh nghẹn ngào, đôi khi khóc nấc trong điện thoại. Bà Hạnh chia sẻ, những năm qua chưa đêm nào bà ngủ được một giấc trọn vẹn: “Tôi day dứt và cảm thấy mình có lỗi với hai gia đình. Tôi có lỗi với nhà chồng khi để thất lạc giọt máu của dòng tộc, có lỗi với gia đình Trang khi để họ phải chịu cảnh lưu lạc con mà có thể đến giờ họ còn chưa biết được sự thật”. Theo bà Hạnh, sở dĩ bà chọn cách giấu kín là bởi nỗi khổ tâm sợ mất người con gái mà suốt 42 năm qua, bà yêu thương và chăm sóc còn hơn cả con đẻ.

Nghe tiếng mẹ kể trong điện thoại, chị Trang cũng nức nở, đưa khăn lau những giọt nước mắt đua nhau lăn dài trên gò má. Cho đến tận bây giờ, bản thân chị vẫn cảm thấy sốc và không thể tin đây lại là sự thật: “Trái tim tôi vỡ vụn khi mẹ nói tôi không phải con đẻ của mẹ. Hai mẹ con cứ ôm nhau mà khóc. Tôi vừa giận, vừa thương mẹ. Giận vì tại sao đến thời điểm này mẹ mới thông báo, thương vì trong suốt thời gian qua tình yêu mà mẹ dành cho tôi quá lớn lao và vĩ đại”, chị Trang nghẹn ngào.

 

Thấy em khóc, chị Tạ Thị Thu Vân (SN 1971), con gái cả của bà Hạnh khẽ vỗ về động viên em. Kể về câu chuyện hy hữu xảy ra trong gia đình mình, chị Vân xúc động cho biết, bản thân mình và các thành viên khác đều không hề hay biết sự thật cho đến khi được bà Hạnh thông báo vào năm ngoái: “Dù thế nào, chúng tôi vẫn luôn coi Trang là đứa em ruột thịt và tình cảm này không hề thay đổi. Trong chuyện này, chẳng ai có lỗi cả, đó là mối lương duyên trời định”.

Chị Tạ Thu Vân động viên em gái Tạ Thu Trang (phải). Ảnh báo Dân trí.

Chị Vân cho hay, bản thân mẹ chị - bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cũng luôn đau đáu và khổ tâm rất nhiều trong suốt những năm vừa qua. Ngay cả bố chị Vân, dù biết sự thật nhưng cũng kiên quyết không cho mẹ chị làm xét nghiệm ADN. Trước lúc qua đời, ông còn dặn dò mẹ chị chôn giấu sự thật trong lòng: “Có lẽ bố sợ nói ra sẽ làm em tôi tổn thương. Trong gia đình, ông thương Trang nhất nhà…”, chị Vân nghẹn ngào.

Những cuộc tìm kiếm đầy hy vọng và trở về trong thất vọng đã quá quen thuộc với các thành viên trong gia đình bà Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang. Những ngày qua, chị Trang và chồng sáng sáng vẫn dọn hàng bán bún trước số nhà 75 Quán Thánh. Hàng bún vẫn đông như lệ thường, nhưng chị Trang thấp thỏm không yên. Một cuộc điện thoại số lạ cũng làm chị nín thở nghe, rồi lại buồn bã khi đó chỉ là người nhầm số. Báo Thanh niên thông tin.

Ngày hôm qua, 9/3, anh Nguyễn Trung Thành, chồng chị Tạ Thị Thu Trang (cô bé mang số 32 ở chân được trao nhầm cho bà Mai Hạnh) đã mất cả một ngày để đi tới khắp những địa chỉ được cho là có người sinh ngày 10/10/1974 trong quận Ba Đình để kiểm chứng.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Thành thở dài: “Tối 8/3, tôi nhận được điện thoại từ cơ quan công an, nói có 3 trường hợp khác đăng ký chứng minh nhân dân sinh ngày 10/10/1974, nơi đăng ký là quận Ba Đình, gia đình xuống thử để tìm hiểu. Tuy nhiên, tôi đến từng nhà để hỏi thăm, thì đều thất vọng trở về”.

 

Có thể ít người biết, người đăng những thông tin tìm con bị trao nhầm trên mạng xã hội mấy ngày trước, chính là con trai lớn của chị Trang, cháu Thế Anh, 22 tuổi, đang là du học sinh tại Đài Loan. Thế Anh thương mẹ và bà ngoại, cậu muốn giúp bà và mẹ hoàn thành ước nguyện.
“Mẹ ơi, con sẽ cố gắng hết sức, mà vẫn không tìm được ông bà ngoại ruột thịt, mẹ có giận con không?”, nghe Thế Anh hỏi câu đó, nước mắt chị Trang lã chã rơi.

Bạn đọc có thông tin về người con ruột của bà Hạnh và cha mẹ ruột của chị Trang có thể cung cấp thêm cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi vào Đường dây nóng Báo Thanh Niên: 0906.645.777 để giúp cả hai tìm được người thân của mình.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo