Hầu hết chúng ta đều từng tuyên bố rằng, đôi khi bản thân thích ở một mình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện, chẳng có mấy người thực sự vui sướng với điều đó.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia do giáo sư tâm lý học Timothy Wilson thuộc Đại học Virginia (Mỹ) đứng đầu, đã mời gần 800 người tham gia các thử nghiệm của họ. Kết quả hé lộ, đa phần những người tình nguyện, bất kể giới tính và độ tuổi, không thích ngồi rỗi và ở một mình với các ý nghĩ của họ.
Ở một số thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu những người tình nguyện là sinh viên đại học ngồi cô độc trong một phòng thí nghiệm trống trải, và dành 6 - 15 phút không làm gì cả, ngoại trừ suy nghĩ hoặc mơ mộng hão huyền. Họ không được phép dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc, tài liệu đọc hay vật dụng để viết, đồng thời phải ngồi nguyên trên ghế và tỉnh thức.
Hầu hết mọi người nói họ không thoải mái với nhiệm vụ và cảm thấy rất khó tập trung. Nhóm nghiên cứu sau đó đã đề nghị các tình nguyện viên, gồm cả sinh viên và những người trưởng thành khác, lặp lại hành động ở nhà của họ và cũng thu được kết quả tương tự. Ngoài ra, 1/3 số người tình nguyện đã gian dối bằng cách làm những việc khác như sử dụng một điện thoại di động hoặc nghe nhạc.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã thực hiện một thí nghiệm để xem liệu các sinh viên có sẵn sàng thực hiện một nhiệm vụ khó chịu, thay vì chỉ ngồi và suy nghĩ hay không. Đầu tiên, họ để mỗi người trải qua một lần sốc tĩnh điện cường độ nhẹ.
Những người tình nguyện tiếp đến nhận được câu hỏi, nếu được cho 5 USD, liệu họ có chi dùng một phần tiền đó để tránh bị sốc điện lại hay không. Với những người tuyên bố sẵn sàng trả tiền để tránh bị sốc điện lần nữa, họ được yêu cầu ngồi một mình và suy nghĩ trong 15 phút hoặc chọn tự sốc điện một lần nữa chỉ đơn giản bằng cách ấn 1 cái nút điều khiển.
Kết quả là, rất nhiều người đã chọn sốc điện, đặc biệt là đàn ông, với 2/3 số người ấn nút tự sốc điện ít nhất 1 lần. Thậm chí, 1 nam giới còn tự ấn nút sốc điện tới 190 lần. Trong khi đó, khoảng 1/4 số phụ nữ chọn tự sốc điện ít nhất 1 lần.
Giáo sư Wilson lý giải: "Tôi nghĩ, họ chỉ muốn tạo cú sốc để giúp bản thân thoát khỏi sự buồn chán. Đôi khi, các kích thích tiêu cực còn được ưa thích hơn việc không có kích thích ... Nhiều người cảm thấy khó sử dụng trí não của mình để tự tiêu khiển. Ở thời hiện đại ngày nay, với tất cả các thiết bị đang có, con người dùng như đang lấp đầy mọi giây phút của mình bằng dạng hoạt động bên ngoài nào đó".
Vietnamnet