Cộng đồng kể chuyện Hà Nội qua ảnh
Hà Nội trong không gian của các lễ hội, của nghề rèn, nghề lụa, rồi cả góc khuất của người dân lao động vất vả… được ghi lại trong các khung hình không phải của các tay máy nghiệp dư, họ là người bán hàng, bà nội trợ, học sinh, cán bộ Đoàn.
73 bức ảnh được xây dựng trong chủ đề “Hà Nội như tôi thấy” đang được trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã kể câu chuyện về Hà Nội dưới con mắt cộng đồng.
Những bức ảnh đượm tình
Phải thừa nhận 73 bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội như tôi thấy” không đạt chuẩn về kỹ thuật ánh sáng, cắt cúp khuôn hình, đôi khi lộ rõ những ngô nghê của các tay máy không chuyên. Bởi chủ nhân của những bức ảnh ấy là 12 “tay máy” trong độ tuổi từ 14 - 46 tuổi, họ không phải những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hà Nội mà là thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng, người bán hàng, nội trợ, học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn…
Những tay máy nghiệp dư này không cố “bắt” cho được ánh sáng lung linh của Hồ Gươm, hay sự hoành tráng, tinh túy của hàng loạt sự kiện văn hóa đang được tổ chức rầm rộ mỗi dịp kỷ niệm. Hà Nội ở đây là hình ảnh người dân khu vực Giảng Võ tấp nập đi lễ hội Bà Chúa Kho tại đình làng Giảng Võ, nơi duy nhất tổ chức chức kỷ niệm tưởng nhớ ngày sinh (12/2 âm lịch) và ngày mất 20/7 (âm lịch) của Bà Chúa Kho. Hoặc một Hà Nội giản đơn với những giọt mồ hôi của bác thợ rèn, niềm đam mê hát quan họ của bạn trẻ Xuân Quỳnh, niềm đam mê đánh cờ, chơi chim cảnh ở mỗi con phố, góc chợ… Lời chú thích của các bức ảnh khá dài nhưng giản dị, đượm tình cảm và sự gần gũi, như tác giả Nguyễn Thanh Thúy kể về thợ rèn Nguyễn Phương Hùng: “Truyền lại cho người thực sự đam mê để Lò Rèn sau này không chỉ còn lại tên một con phố”. Bạn Lê Thu Trang (21 tuổi) – tác giả của bức ảnh“Mưu sinh”, “Tri kỷ” chia sẻ: “Những bức ảnh của mình là cảnh bà mình, mẹ mình, những cô, chú, bác hàng xóm ngày ngày làm những công việc thường nhật của họ mà ở đó đều có những nét đẹp. Tuy là một người trẻ, sống ở khu phố cổ từ bé, song người trẻ cũng có cách thể hiện tình yêu phố cổ, Hà Nội theo cách của riêng mình”.
Dự án của cộng đồng vì di sản
Triển lãm “Hà Nội như tôi thấy” là kết quả của dự án "Nâng cao năng lực dành cho các khu di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam" do UNESCO triển khai từ năm 2011, và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là một trong những đối tác phối hợp. 73 bức ảnh giới thiệu trong triển lãm được lựa chọn từ hàng ngàn bức ảnh của 12 tác giả nghiệp dư thực hiện từ tháng 7/2014. Bằng cảm nhận của chính mình, mỗi tác giả đã kể những câu chuyện chân thực, giàu cảm xúc về cuộc sống và những người xung quanh. Tâm đắc với ý tưởng của dự án và ghi nhận những nỗ lực của các thành viên tham gia chương trình, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đã chia sẻ: “Mỗi bức ảnh và câu chuyện đi cùng là một sự bộc bạch chia sẻ mối quan tâm của người dân địa phương đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa của Hà Nội. Họ thể hiện tình yêu, niềm đam mê, sự nhiệt thành và tinh thần trách nhiệm đối với di sản của TP quê hương mình”.
Triển lãm là dự án đầu tiên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội có sự tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư, chính vì vậy, theo ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm: “Thông qua triển lãm, Ban tổ chức muốn gửi gắm một thông điệp về giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc chung tay gìn giữ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của dân tộc”. Triển lãm “Hà Nội như tôi thấy” mở cửa từ nay đến hết tháng 8/2015.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo