Thị trường

Công khai minh bạch là cơ chế tốt nhất để quản lý giá xăng dầu

(DNVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy khi kết luận kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn sáng 12/6.

Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay (12/6), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm rõ các thắc mắc về cách điều hành xăng dầu và các giải pháp hạn chế tình trạng ùn tắc nông sản, đặc biệt là ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh của các đại biểu.
Tiếp tục phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng xăng dầu đang chịu quá nhiều chi phí từ chi phí định mức, lợi nhuận định mức… “Nếu chi phí định mức xin được, chỉ cần tăng thêm 100 đồng một lít thì người tiêu dùng đã gánh thêm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nếu lợi nhuận được mặc định 300 đồng một lít, người tiêu dùng phải trả lãi 4.800 tỷ. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng, chính điều đó khiến dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận”, ông Hiến nói.
“Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là sơ hở? Cần phải thay đổi thế nào để minh bạch hơn, công bằng hơn, hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng”, đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trả lời vấn đề đặt ra của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề này. Theo ông, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu mới thực hiện được 6 tháng, bên cạnh những kết quả tích cực thì còn những mặt cần tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, bao gồm chi phí định mức và lợi nhuận định mức.
“Tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ cùng Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ những bất cập để nếu cần thiết thì có sự bổ sung, sửa đổi”, Bộ trưởng hứa.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện quy định chi phí định mức từ 950 đến 1.050 đồng mỗi lít dầu và xăng, còn lợi nhuận định mức đang là 300 đồng một lít.
Ông Dũng tiết lộ, vừa qua, các doanh nghiệp đang đề nghị điều chỉnh tăng các chi phí về kinh doanh định mức, nhưng hai bộ đang rà soát. “Bản thân các doanh nghiệp cũng bị tác động bởi yếu tố khác để tăng chi phí đầu vào, cho nên chúng ta phải thường xuyên rà soát để điều chỉnh, đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi, hài hòa ba bên", Bộ trưởng Tài chính nói.
Từ ghế chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét câu trả lời của Bộ trưởng là rõ ràng. “Tuy nhiên, vấn đề đại biểu đặt ra là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn quá. Các đồng chí tiếp thu để rà soát lại các yếu tố đầu vào, như thế chắc đại biểu cũng bằng lòng”, ông Hùng bình luận. 
Đại biểu Vũ Xuân Trường bày tỏ, ông chưa thấy thuyết phục khi Bộ trưởng trả lời về cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Dẫn số liệu từ Văn phòng Quốc hội cung cấp, đại biểu tỉnh Nam Định cho biết từ ngày 15-20/5 giá dầu thô thế giới giảm gần 2 USD mỗi thùng nhưng tại Việt Nam giá xăng dầu A92 cùng lúc không những không giảm mà lại tăng từ 19.230 lên 20.340 đồng một lít.
"Câu chuyện tương tự cũng diễn ra hồi tháng 3. Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời cho rõ vấn đề để đáp ứng nguyện vọng của cử tri về việc tăng giá xăng dầu trong thời gian qua”, ông Trường cương quyết.
Người đứng đầu ngành Công Thương giải thích, theo Nghị định 83, giá xăng dầu trên thế giới để tham khảo là giá thành phẩm tại Singapore chứ không phải dầu thô. Do nhiều yếu tố như chênh lệch thời gian, vận chuyển nên giá dầu thô không tương thích giá thành phẩm xăng dầu. “Chúng tôi đã cho cán bộ kiểm tra thời điểm đại biểu nêu thì đúng là giá dầu thô giảm nhưng giá xăng dầu thành phẩm lại tăng. Do vậy điều chỉnh giá là phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay vì điện, xăng là mặt hàng nhạy cảm nên cơ quan quản lý cần công khai minh bạch để đại biểu, cử tri nắm rõ.
“Công khai minh bạch là cơ chế tốt nhất để quản lý giá. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp mà các bộ cũng cần công khai giá đầu vào, hạch toán giá bán lẻ để mọi người giám sát”, Chủ tịch Quốc hội chốt lại.
Tận dụng hội nhập để tái cơ cấu thị trường
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nguyên nhân của tình trạng ùn tắc nông sản, đặc biệt là ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là do dưa hấu được trồng ở nhiều nơi, trong khi xuất khẩu tập trung tại một cửa khẩu là cửa khẩu Tân Thanh. 
Cửa khẩu Tân Thanh một ngày đáp ứng thông quan được 350 xe, cao điểm mùa thu hoạch có ngày lên tới 1.000 xe có nhu cầu thông quan, điều này dẫn tới ách tắc tạm thời. Khắc phụ tình trạng trên, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT có kiến nghị Chính phủ xây khu trung chuyển đủ sức chứa 1.000 xe, vừa tập kết vừa phân loại sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng trao đổi với phía Trung Quốc về thỏa thuận đã ký vào đầu năm 2014 tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Một biện pháp nữa là công tác thông tin đến người dân cần đẩy mạnh để tránh việc tập trung thu hoạch và vận chuyển dồn dập trong thời gian ngắn, như vậy ách tắc mới chấm dứt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ Công thương về việc này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Công Thương và các ngành liên quan cần tham mưu để tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần thấy hết được cơ hội và khó khăn.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi mở, nước ta đã mở cửa hội nhập và đang mở cửa hội nhập sâu hơn, đây là dịp để xốc lại thị trường theo định hướng  XHCN; tổ chức, cơ cấu lại thị trường, làm cho từng người dân, từng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải nắm chắc vận hội và khó khăn…
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm cho thị trường thông suốt từ sản xuất đến lưu thông, phân phối tới tiêu dùng; thị trường phải khoa học, linh hoạt, nhanh nhạy, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, có sản phẩm đủ sức cạnh tranh đến được người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, cũng cần phân tích thị trường trong nước, thị trường ngoài nước,  thị trường sản phẩm, thị trường lĩnh vực để từ đó có mô hình khác nhau trong việc sản xuất lưu thông sản phẩm.
Về công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội đã có chủ trương, do vậy cần tạo sự chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của Nhà nước, nếu cần thiết có thể ban hành Nghị đinh về công nghiệp hỗ trợ hoặc lâu dài hơn có thể ban hành Luật thay thế.

HÒA HẬU (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo