Khoa học - Công nghệ

Để doanh nghiệp KH&CN phát triển bền vững: Đánh thức tiềm năng, tạo đà phát triển KT-XH (Bài 1)

DNVN - Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nền KH&CN nước nhà nói riêng và nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Vệt bài này sẽ lý giải tình trạng trên và đề xuất giải pháp để DN KH&CN phát triển bền vững.

Khoa học công nghệ là chìa khóa đưa cá tra "vươn ra biển lớn" / Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của văn minh nhân loại

LTS: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nền KH&CN nước nhà nói riêng và nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung. DN KH&CN tạo ra những sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao góp phần phát triển kinh tế đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho DN KH&CN phát triển. Tuy nhiên, đến nay số lượng DN KH&CN mới chỉ đạt hơn 500 DN, một con số khá khiêm tốn, bởi có rất nhiều DN đạt tiêu chí để trở thành DN KH&CN nhưng lại không đăng ký. Vệt bài này của Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam sẽ lý giải tình trạng trên và đề xuất giải pháp để DN KH&CN phát triển bền vững.

Bài 1: Đánh thức tiềm năng, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

DN KH&CN không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KHCN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội và GDP của đất nước. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhưng những DN KH&CN vẫn tìm thấy đường đi cho riêng mình.

DN KH&CN đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm

Theo Điều 58, Luật KH&CN năm 2013, DN KH&CN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khái niệm này xuất hiện đầu tiên tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007, qua quá trình phát triển và hoàn thiện về chính sách, DN KH&CN đã được Luật hóa và được hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục, những ưu đãi tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ cùng với Thông tư số 03/2021/TT-BTC ngày 11/1/2021 hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DN KH&CN do Bộ Tài chính ban hành.

TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình DN KH&CN.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco).

Trên cơ sở báo cáo của 235 doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019, cho thấy DN KH&CN tạo việc làm cho gần 31.270 người lao động với thu nhập bình quân tháng 15 triệu đồng/người. Tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt trên 147.170 tỷ đồng.

Trong đó, có 217 doanh nghiệp có doanh thu từ sản phẩm KH&CN với tổng trên 24.123 tỷ đồng (chiếm 16,3% tổng doanh thu). Năm 2019, tổng doanh thu của 235 DN KH&CN đạt 2,39% GDP cả nước. Trong đó, có 198 doanh nghiệp có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 5.268 tỷ đồng. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KH&CN đạt gần 1.344 tỷ đồng/183 doanh nghiệp.

Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ

DN KH&CN là nơi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học và của các nhà khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là nơi các kết quả được chuyển giao, nơi tạo công ăn việc làm cho xã hội, là nơi các nhà khoa học có thể đưa trí tuệ, những ý tưởng của mình để tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội.

Tín hiệu đáng mừng đó là, hiện các doanh nghiệp nói chung và các DN KHCN nói riêng đã chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 7% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH&CN từ nguồn ngân sách Nhà nước; hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH&CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp và DN KHCN đã hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH&CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH&CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp như: Viettel, Phenikaa, Vingroup…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đây là hướng đi đúng và giống thông lệ của các nước. Chúng ta đã và đang từng bước đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu KH&CN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Ngoài ra, DN KH&CN cũng đã chú trọng tới việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra. Có 138 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 9 doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ và đang chờ kết quả. Ví dụ: Công ty Cổ phần Robot Tosy đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới. Công ty TNHH Thiết bị Y tế Bắc Việt sở hữu hơn 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng kiểu dáng công nghiệp; Công ty CP Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal sở hữu 15 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;...

DN KH&CN vượt sóng tìm ra biển lớn

Số lượng DNKH&CN không nhiều nhưng các doanh nghiệp đó đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, qua những giai đoạn khó khăn, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của DN KH&CN.

Hệ thống lò đốt rác thải y tế công nghệ cao do ông Trịnh Đình Năng sáng chế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều DN KH&CN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước.

Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh online, giao hàng và thanh toán tận nhà, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong đó nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu.

Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống, dịch COVID-19.

Điển hình là Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) hiện đang là một trong những DN KH&CN hàng đầu Việt Nam. Để có được thành quả như ngày hôm nay thì công ty đã phải trải qua không ít “sóng gió”. Busadco từ một doanh nghiệp địa phương không tên tuổi (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn liếng khởi đầu vỏn vẹn 10 tỷ đồng cùng 34 lao động không có chuyên môn, giờ nổi danh khắp cả nước với vô số sản phẩm KH&CN hữu ích trong xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trở thành mái nhà chung của 500 cán bộ, công nhân viên chính thức cộng thêm hàng nghìn lực lượng lao động thời vụ và theo công trình. Cho đến nay, Busadco đã có 110 công trình khoa học, được cấp 108 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và chấp nhận đơn, 228 Bằng sở hữu kiểu dáng công nghiệp và chấp nhận đơn, có 18 công trình sản phẩm KH&CN được Bộ KH&CN nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở lên tiêu chuẩn Việt Nam.

Một câu chuyện khác của ông Trịnh Đình Năng - Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long lại cho thấy sức sống mãnh liệt của DN KH&CN trong thời điểm kinh tế khó khăn. Ông Năng cho biết, sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao do ông và các cộng sự làm ra đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn.

Theo tính toán của Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Y tế, rác thải y tế trung bình một ngày của cả nước từ 40-70 tấn. Chi phí 50.000 đồng/1kg rác sẽ tiêu tốn ít nhất 2 tỷ đồng. Nhưng với công nghệ lò đốt rác thải y tế công nghệ cao chỉ tiêu tốn 200 triệu/ngày và nếu áp dụng cả năm có thể tiết kiệm được tới gần 900 tỷ đồng...

Những ví dụ nói trên chỉ là số ít trong hàng trăm câu chuyện khác nhau về sự năng động, sáng tạo của các DN KH&CN để tạo ra các sản phẩm, hàng hóa có năng suất chất lượng cao. Sự phát triển của DN KH&CN thời gian qua dù còn nhỏ lẻ nhưng đã góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt. Qua đó nâng cao thu nhập người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của tình hình kinh tế hiện nay, các DN KH&CN lại gặp thêm khó khăn từ cơ chế chính sách còn chưa hoàn thiện. Tháo gỡ khó khăn chung và khó khăn từ cơ chế đặc thù, điều cần làm ngay để các DN KH&CN yên tâm “vượt sóng”.

(còn tiếp)

Hà Anh - Quang Duy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm