Dự thảo Đề án xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội: Cần làm chi tiết hơn, "tập hợp" được đội ngũ trí thức
Tìm lời giải cho bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ / Pin mặt trời tái chế thành chai nước hoa, linh kiện bán dẫn
Sáng 7/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học góp ý cho dự thảo Đề án xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội.
TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, dự thảo Đề án xây dựng mạng lưới sáng kiến Hà Nội do Sở KH&CN Hà Nội (UBND TP Hà Nội) soạn thảo. Đề án được xây dựng nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển của Thủ đô. Có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, chuyên gia công nghệ.
Theo dự thảo đề án, Mạng lưới sáng kiến Hà Nội hoạt động chủ yếu dưới hình thức trực tuyến, kết hợp với các hoạt động trực tiếp khác như diễn đàn, hội thảo, toạ đàm…
Góp ý cho dự thảo này, đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo có cấu trúc, bố cục chưa hợp lý, phân bổ nội dung chưa thích hợp. Phần nội dung chính thông tin còn sơ sài, vấn đề tổ chức thực hiện đề án còn nêu quá chung chung. Đề án chưa đưa ra mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể; đối tượng thực hiện, phạm vi áp dụng và thời gian dự kiến thực hiện đề án cũng chưa được đề cập.
TS. Nguyễn Văn Biếu - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội cho rằng, đề án nên nêu rõ hơn về các khái niệm “sáng kiến” và “sáng tạo”. Cần nêu rõ vì sao đề án lại sử dụng thuật ngữ “sáng kiến”, trong khi thuật ngữ “sáng tạo” hay hơn.
Sáng kiến liên quan đến việc ứng dụng các ý tưởng, phương pháp mới vào thực tế để tạo ra giá trị đột phá và cải tiến. Trong khi đó, sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng, sáng tác và giải pháp mới một cách độc đáo và không giới hạn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUST), cần làm rõ hơn nữa khái niệm về “sáng kiến” là cơ sở để xây dựng và khai thác các sáng kiến được tập hợp trong mạng lưới sáng kiến.
PGS, TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện KHCN Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đánh giá cao việc dự thảo đề án lựa chọn một số đề xuất - sáng kiến chính sách có triển vọng để kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố cho phép áp dụng thử nghiệm theo quy chế sandbox. Quy chế sandbox chính là công cụ pháp lý bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá hiệu quả và đáng tin cậy nhất.
“Tham khảo qua báo chí, tại khu vực Đông Nam Á đã có 6 nước thiết lập quy chế sandbox gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Trong khi đó, đến giờ Việt Nam vẫn chưa có quy chế sandbox dù vấn đề này đã được bàn thảo từ nhiều năm nay”, chuyên gia nêu.
Liên quan đến đối tượng tham gia, ông Phạm Văn Tân cho biết, mạng lưới sáng kiến Hà Nội không nên quy định đơn giản “là hệ thống tổ chức gồm các cá nhân đơn vị ở trong và ngoài nước tham gia đề xuất các giải pháp, sáng kiến công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội…”. Thay vào đó, cần xác định mạng lưới gồm những chủ thể nào tham gia và phục vụ cho mục đích gì?
“Việc tập hợp thu hút đội ngũ trí thức để tạo ra nhiều sáng kiến và quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các sáng kiến là mục đích hình thành Mạng lưới sáng kiến Thủ đô”, ông Tân nêu.
Ngoài ra, các đại biểu có chung kiến nghị, Ban soạn thảo cần nhấn mạnh vai trò của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội bởi tổ chức này tập hợp đông đảo các nhà trí thức, các nhà khoa học giàu kinh nghiệm, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Cần bổ sung nhiệm vụ cho tổ chức quan trọng này vào đề án, qua đó góp phần thực hiện đề án thành công trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo