Nhiều tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp công nghệ Việt bứt phá
Vimexpo 2023: Kết nối các doanh nghiệp chế biến chế tạo / Doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tiên gia nhập liên minh AI toàn cầu
Ngày 11/3, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024.
Theo đó, báo cáo cho rằng, kinh tế thế giới không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại. Các tổ chức quốc tế đều có chung quan điểm tăng trưởng năm 2024 sẽ chậm hơn năm 2023.
Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% vào năm 2023 xuống còn 2,4% vào năm 2024, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trước đại dịch COVID-19 (2011-2019) là 3%. Điều này tạo ra những rủi ro đáng kể đến thị trường xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế.
Thương mại quốc tế hiện đang giảm động lực tăng trưởng. Bước sang 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước với các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi lên 2,4% vào năm 2024 nhưng có thể sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch là 3,2%. Trong khi đó, sự phân mảnh của thế giới và căng thẳng địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, tạo ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung và hàng hóa mới.
Về áp lực đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024, Vietnam Report nhận định, áp lực với thị trường này còn rất lớn khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279,219 tỷ đồng.
Trong đó, phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115,663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn kỳ vọng vào tăng trưởng của 4 ngành là công nghệ, điện/năng lượng, dược phẩm y tế và tài chính – ngân hàng. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát doanh nghiệp mới nhất do Vietnam Report thực hiện, ngành công nghệ thông tin đã ghi nhận năm thứ ba liên tiếp giữ vị trí số một trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng.
Làn sóng công nghệ bùng nổ trên toàn cầu đã hỗ trợ cho những kỳ vọng lạc quan về triển vọng của ngành công nghệ Việt. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner, chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 với chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây và AI là hai động lực chính cho tăng trưởng.
Điều này tạo ra những tín hiệu tích cực cho tiềm năng bứt phá của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, hướng tới hợp tác, liên kết và xuất khẩu công nghệ. Thêm vào đó, Việt Nam đang bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ khi các dự án đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào lĩnh vực sản xuất chip và công nghệ cao.
Những tiền đề này tạo ra một môi trường phát triển đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt trong ngành công nghệ.
Vị trí thứ hai trong số top 4 ngành có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024 thuộc về ngành điện/năng lượng với sự lựa chọn của 50% số doanh nghiệp. Con số này gia tăng đáng kể so với kết quả khảo sát được thực hiện vào năm 2023 (tăng 16,7%) và năm 2022 (tăng 22,1%). Trong năm 2024, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xây dựng dự kiến sẽ giữ động lực cho tăng trưởng nhu cầu điện.
Vietnam Report nhận định, năm 2024 là một năm còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết, song cũng không thể phủ nhận những động lực và thời cơ mới dẫn dắt nỗ lực phục hồi của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang dần rõ ràng.
“Dù không quá hứa hẹn cho một câu chuyện tăng trưởng đột phá sẽ diễn ra, nhưng với đòn bẩy từ việc phát huy các động lực truyền thống. Cùng với đó là bệ phóng vững chắc từ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, doanh nghiệp có cơ sở kỳ vọng 2024 sẽ là một “vùng đệm” quan trọng để chuyển giao sang thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại”, báo cáo kỳ vọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo