Khoa học - Công nghệ

Phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã

DNVN - Ngày 30/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện Dự án KH&CN cấp tỉnh “Xây dựng mô hình trồng và định hướng phát triển cây dược liệu lan Kim tuyến, Bình vôi dưới tán rừng, vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã gắn với thương mại hoá sản phẩm”.

Xây dựng Huế trở thành trung tâm Khoa học và Công nghệ của cả nước / Thừa Thiên Huế xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ năm 2021

Theo Sở KH&CN Thừa Thiên Huế, dự án dự kiến thực hiện trong 3 năm từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2025 với mục tiêu nhằm xây dựng thành công mô hình trồng và định hướng phát triển 2 loài cây dược liệu lan Kim tuyến (Anoectochilus roxburghii(Wall.) Lindl) và Bình vôi (Stephanie japonica) dưới tán rừng, vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã gắn với thương mại hoá sản phẩm.

Lan Kim tuyến và Bình vôi là 2 loài cây dược liệu có các hợp chất đã được minh chứng có tác dụng điều trị nhiều loại bệnh lý cũng như khả năng thương mại hoá cao. Tuy nhiên, do sức ép của thị trường, 2 đối tượng này đễ bị thu hái tận diệt. Vì vậy, cần thiết phải có nghiên cứu về phát triển mô hình trồng, đảm bảo sự sinh trưởng của 2 loài này phù hợp với điều kiện lập địa và làm sao có các định tính, định lượng tương đồng với loài dược liệu có nguồn gốc bản địa.

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, nếu Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế được tuyển chọn thực hiện dự án sẽ phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã, Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh vùng Bạch Mã và các đơn vị liên quan khác để có thể nhân rộng mô hình theo hướng thương mại hoá, tạo sản phẩm đặc trưng cho Bạch Mã cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.

Tại hội nghị, KS Hồ Thị Hoàng Nhi - Chủ nhiệm dự án cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thực hiện các nội dung gồm: Đánh giá thực trạng phân bố và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của lan Kim tuyến và Bình vôi ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm; Hoàn thiện quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và quy trình sản xuất cây con lan Kim tuyến và Bình vôi đạt tiêu chuẩn xuất vườn; Hoàn thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng theo chuẩn GACP-WHO; Xây dựng mô hình trồng lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm; Nghiên cứu phát triển một số sản phẩm từ lan Kim tuyến và Bình vôi.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, TS Hồ Thắng - Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là dự án có ý nghĩa thực tiễn, mang tính khả thi cao, song đơn vị chủ trì dự án cần phải tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của Hội đồng phản biện để chỉnh sửa lại mục tiêu, nội dung, xuất xứ công nghệ, các quy trình thực hiện... phù hợp với mục tiêu và sản phẩm đã được đặt hàng. Ngoài ra, cần bổ sung vào các hội nghị đầu bờ, khoá tập huấn hỗ trợ người dân về quy trình, mô hình trồng... một cách chi tiết và cụ thể.

Vinh Hưng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm