Thương mại hóa tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần làm gì?
Quyền sở hữu trí tuệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khoa học công nghệ / Doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh
Chia sẻ tại buổi “Bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, sáng ngày 19/7, đại diện Viện Khoa học SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quản trị TSTT là việc chủ sở hữu thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với (TSTT) nhằm tạo lập, khai thác, gìn giữ, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản đó.
Trong đó, tạo lập TSTT là hoạt động sử dụng các nguồn lực (nhân lực, tri thức, các nguồn lực tài chính/ vật chất) nhằm biến các tài nguyên trí tuệ thành TSTT. Bao gồm các hoạt động liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tạo lập các sản phẩm sáng tạo trong kinh doanh, thương mại.
Doanh nghiệp cần có chính sách đầu tư, phát triển TSTT nhằm thúc đẩy động lực sáng tạo. Đó là tạo dựng môi trường, văn hóa, truyền thống dựa trên đổi mới sáng tạo; gắn kết chặt chẽ lợi ích cá nhân với lợi ích của tổ chức, tạo ra sự đồng thuận về mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững.
Đồng thời, thiết lập cơ chế thưởng phạt, thăng tiến, đãi ngộ dành cho những người tạo ra TSTT tương xứng với những đóng góp trí tuệ và lợi ích kinh tế do TSTT mang lại cho doanh nghiệp.
Đối với việc xác lập quyền SHTT, doanh nghiệp căn cứ phát sinh quyền SHTT để xác định một trong hai nhóm căn cứ (nhóm quyền phát sinh một cách tự nhiên và nhóm quyền phát sinh trên cơ sở đăng ký).
Theo đó, quyền phát sinh một cách tự nhiên nghĩa là quyền tự động phát sinh/được xác lập cùng với sự ra đời của TSTT nếu đáp ứng một số điều kiện nào đó mà không cần thực hiện một thủ tục pháp lý nào. Còn quyền phát sinh trên cơ sở đăng ký là quyền phát sinh/được xác lập khi thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Đại diện Viện Khoa học SHTT nhấn mạnh, thương mại hóa TSTT/quyền SHTT là một khâu quan trọng trong chu trình SHTT. Các phương thức thương mại hóa TSTT bao gồm: sử dụng TSTT hoặc quyền SHTT một cách trực tiếp; chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng TSTT; hợp tác kinh doanh dưới hình thức góp vốn bằng giá trị của TSTT; SHTT với người khác để cùng nhau sử dụng tài sản (quyền) đó.
Có 3 dạng chuyển giao quyền sử dụng TSTT: chuyển giao độc quyền, chuyển giao độc nhất và chuyển giao không độc quyền.
Chuyển giao độc quyền là bên được chuyển giao được độc quyền sử dụng đối tượng SHTT. Bên chuyển giao không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng đó với bất kỳ bên thứ ba nào và không được sử dụng đối tượng đó nếu không được phép của bên được chuyển giao.
Chuyển giao độc nhất tương tự như chuyển giao độc quyền, nhưng bên chuyển giao còn có quyền sử dụng đối tượng SHTT.
Chuyển giao không độc quyền là trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng. Bên chuyển giao vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT không độc quyền với một hoặc nhiều người khác.
Ngoài ra, đại diện Viện Khoa học SHTT cho biết, trong trường hợp bên chuyển giao quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT theo một hợp đồng sử dụng khác thì đó là dạng chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo