Cuộc đời ông trùm quảng cáo người Do Thái Martin Sorrell: 33 năm đỉnh cao cuối cùng vẫn gặp hạn
Mới đây, CEO Martin Sorrell của WPP, tập đoàn quảng cáo và PR lớn nhất thế giới đã bất ngờ xin từ chức sau 33 năm tại vị. Ông là là người đã sáng lập nên WPP cũng như là một trong những CEO tại vị lâu nhất của một trong số các công ty thuộc FTSE 100.
Sự ra đi của ông Sorrell khiến nhiều người bất ngờ bởi ông được đánh giá là một trong những ông trùm của mảng quảng cáo, biến ngành tiếp thị thành một mảng kinh doanh hái ra tiền. Động thái trên diễn ra khi có những cáo buộc lạm dụng tài sản công ty gần đây đang khiến cho danh tiếng của Sorrell lẫn công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ hãng bán dây nhựa thành ông trùm quảng cáo
Martin Stuart Sorrell sinh ra trong một gia đình Do Thái ở London-Anh vào năm 1945. Bố ông là doanh nhân thành đạt khá nổi tiếng ở Bắc London điều hành hệ thống bán lẻ điện tử với khoảng 750 cửa hàng. Ngay từ bé Sorrell đã được hun đúc tinh thần kinh doanh khi đọc tờ Financial Times năm mới 13 tuổi, vốn là tuổi ăn chơi của thiếu niên.
Vốn tò mò về công việc kinh doanh của cha và có tư tưởng muốn trở thành doanh nhân nổi tiếng, Sorrell đã tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của trường đại học Cambridge và lấy bằng thạc sĩ của trường Harvard vào năm 1968.
Khởi đầu sự nghiệp, ông Sorrell làm ở khá nhiều ngành nghề khác nhau, từ mảng nhà hàng, bán đồ thể thao cho đến lĩnh vực tài chính.
Năm 1985, Sorrell đã có chút vốn và đầu tư vào công ty sản xuất dây nhựa WPP, sau đó tham gia hoạt động điều hành công ty này với vai trò CEO vào năm 1986.
Kể từ đây, Sorrell biến WPP thành một ông lớn khi thu mua, sáp nhập hàng loạt những công ty khác. Điều thú vị là dưới thời Sorrell, WPP lại chủ yếu hướng sang mảng quảng cáo với các thương vụ mua lại những doanh nghiệp truyền thông, PR đầy tiềm năng. Chỉ trong 3 năm đầu lên nắm quyền, Sorrell đã thực hiện 18 vụ sáp nhập.
Năm 1987, ông làm cả thế giới bất ngờ với thương vụ 566 triệu USD mua lại J Walter Thompson. Năm 1989, ông tốn 825 triệu USD mua lại Ogilvy and Mathew, công ty quảng cáo nổi tiếng thế giới.
Năm 2017, tổng doanh thu của WPP đạt 15,3 tỷ Bảng Anh (20,4 tỷ USD) với 205.000 nhân viên chính thức trên toàn thế giới, đứng đầu trong ngành quảng cáo và PR.
Bí mật thành công và bên kia sườn dốc
Có thể nói Sorrell là một trong những CEO thành công khi tại vị 33 năm, đưa WPP thành tập đoàn khổng lồ. Ông là một trong những CEO được trả lương cao nhất của nhóm FTSE 100 vào năm 2015, 2016 tương ứng là 98 triệu USD và 68 triệu USD.
Vào năm 2014, tổng lợi nhuận mà Sorrell được chia từ WPP đạt 40 triệu Bảng (53 triệu USD). Tất nhiên để đạt được những thành công đó, Sorrell đã phải làm việc vô cùng chăm chỉ.
Vị CEO nổi tiếng này nắm rõ đến từng con số và tình hình của hơn 400 chi nhánh và khá nghiện việc. Những người quen biết Sorrell cho biết ông hầu như không rời mắt khỏi màn hình điện thoại do bận trả lời khách hàng hoặc giải quyết công việc. Tại WPP, CEO Sorrell nổi tiếng là một vị quản lý có cá tính mạnh và luôn muốn mọi thứ phải hoàn thành nhanh nhất có thể. Tốc độ trả lời các tin nhắn của ông cũng đi vào huyền thoại đến mức người ta đồn rằng ông có hẳn một đội ngũ trợ lý chuyên trả lời điện thoại.
Do tính chất công việc, Sorrell thường xuyên phải đi vòng quanh thế giới để gặp gỡ đối tác cũng như liên tục giải quyết email 24h mỗi ngày khi múi giờ của các chi nhánh lá khác nhau. Với bản tính cầu toàn, Sorrell luôn đặt nặng chất lượng công việc lên hàng đầu và hiếm khi nghỉ ngơi.
Thậm chí chính người vợ Christiana Falcone của ông cũng phải thừa nhận rằng chồng mình khá kì quặc khi làm việc trong cả ngày nghỉ và không muốn buông công việc cho cấp dưới.
Chính sự chăm chỉ này đã làm nên thành công cho WPP nhưng chúng cũng đem lại nguy cơ cho tập đoàn khi Sorrell từ chức và để công việc lại cho cấp dưới. Cựu giám đốc Fernando Rodes Vila của công ty đối thủ Havas khâm phục tài năng của Sorrell nhưng cũng cho rằng văn hóa quản lý này sẽ gặp nguy hiểm khi Sorrell buông tay công việc.
Sự ra đi của Sorrell xảy ra đúng vào thời điểm khó khăn của WPP cũng như ngành quảng cáo. Dự báo doanh thu năm 2018 của WPP không khả quan do tác động mạnh của công nghệ kỹ thuật số. Những tập đoàn lớn vốn là khách hàng quen của WPP như Ford, HSBC, Unilever, P&G dự kiến sẽ không tăng chi tiêu quảng cáo trong năm nay mà nguyên nhân chính là sự dịch chuyển công nghệ PR.
Giờ đây với kỹ thuật số, nhiều công ty có thể tự sản xuất quảng cáo với chi phí rẻ hơn. Những chiến dịch PR không còn phụ thuộc quá nhiều vào báo in hay truyền hình và với sự phổ cập của Internet, marketing giờ đây trở nên đa dạng và dễ dàng hơn nhiều.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của WPP năm nay chỉ còn 5% và giá cổ phiếu của công ty này từ đầu năm đến nay đã giảm 20%.
Quay lại vụ việc cua Sorrell, WPP đã thuê một cơ quan kiểm toán độc lập để tiến hành điều tra các cáo buộc lạm dụng tài sản. Trong bức thư từ chức, mặc dù ông Sorrell không đề cập đến các cáo buộc nhưng thừa nhận rằng việc tại vị đang gây rắc rối cho tình hình kinh doanh của công ty và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ông rời bỏ ghế CEO đã tồn tại suốt 33 năm qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo