Đặc sắc lễ cúng nhập hồn lúa của người M’Nông
Trong quan niệm của người M’Nông xã Đắc Phơi (Đắk Lắk), thần Lúa là linh hồn của mọi vật, là vị thần đáng tôn thờ nhất. Khi lúa chín, các nghi lễ cúng lúa sẽ rộn lên trong các gia đình. Từ lễ tuốt lúa đến cúng hồn lúa từ rẫy về kho sẽ được tổ chức nhộn nhịp.
Cúng nhập hồn cho lúa là lễ cuối cùng trong nghi thức cúng vòng đời lúa. Trước đó, bà con đã làm lễ cúng lúa trổ đòng, dựng cây nêu ở ngoài rẫy để cầu được mùa, lúa chắc hạt và lễ cúng tuốt lúa.
Khi năm cũ sắp hết năm mới đang đến, khi lúa rẫy đã về kho, cái cuốc cái cào đã được rửa sạch giắt dưới gầm sàn, đồng bào M’nông ở xã Đắc Phơi lại tổ chức lễ nhập hồn lúa.
Đồ lễ cúng gồm: bột gạo, rượu cần, tiết heo, và những gié lúa được bỏ trong gùi nhỏ, chủ nhà dùng một đoạn ống tre được chặt ra từ cây nêu trồng ở rẫy từ lúc lúa trổ đòng để thổi, gọi hồn lúa về ở cùng gia đình, cho ai cũng được sức khỏe, cho cả năm luôn đủ ăn, sung túc… Con gà trống như một vật chứng được dùng để cúng hôm tuốt lúa ở rẫy lại được đem ra lấy tiết để cúng nhập hồn lúa vào kho. Tiết ở miệng gà được bôi lên khắp các dụng cụ, vật dụng sinh hoạt của gia đình để chứng tỏ rằng hồn lúa đã hiện diện ở nhà.
Bột gạo được giã từ những hạt lúa mới rồi trộn với tiết gà, bôi lên cổ của tất cả các thành viên trong gia đình để cầu mong sức khỏe, kho lúa cũng được vẽ bùa để cầu mong mùa màng tốt tươi, lúa luôn đầy kho.
Lúa rẫy được cất trong kho từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chỉ dùng để nấu cháo, làm rượu cần và thết đãi bà con họ hàng trong các dịp lễ tết.
Đồ lễ cúng tại kho lúa gồm đầu lợn, rượu, cháo, muối. chủ nhà leo lên nóc kho lúa, dùng sừng trâu đổ rượu từ trên đỉnh kho lúa cho đến khi rượu chảy xuống tận đáy kho, chảy xuống gầm sàn, như thế cả gia đình sẽ có một năm đủ đầy, sung túc.
Khi các nghi thức cúng lễ đã xong là lúc bà con cả buôn cùng ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh chiêng và múa hát. Với bà con ở buôn Jê Juk thì đây là dịp để mọi người cùng gặp, chuyện trò sau những ngày mùa vất vả, cùng ăn uống, vui chơi để chúc mừng cho vụ mùa bội thu.
Kết thúc một vụ mùa cũng là lúc tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới, ai cũng cầu mong năm mới sẽ có thêm nhiều may mắn, trâu bò lợn gà thêm sinh sôi, lúa ngô khoai sắn thêm tốt tươi.
Lễ cúng nhập hồn lúa vừa là nghi thức tâm linh, gọi thần lúa từ nương rẫy về kho, ở cùng với các thành viên trong gia đình, phù hộ cho mọi người có sức khỏe, đủ ăn, sung túc cả năm, vừa là câu chuyện văn hóa đẹp, thể hiện sự trân trọng của cộng đồng đối với cây lúa - sản vật chính đem lại no ấm cho buôn làng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo