Văn hóa

Đặc sắc lễ hội Bunpimay của người Lào ở Đắk Lắk

Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Ngày Tết, mọi người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm.

Hằng năm, cứ đến giữa tháng 5 (Phật lịch) tức là vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch, nhân dân Lào từ Bắc xuống Nam đều tổ chức ngày Hội “Pi May”. Ngày 13 là ngày cuối năm, ngày 14, 15 là ngày giao thừa, 16 là ngày đầu năm mới. Để đón mừng năm mới, người Lào ở Đắk Lắk lau rửa nhà cửa bằng nước với ý nghĩa tiễn năm cũ và trang trí lại nhà cửa đón mừng năm mới. Họ giã gạo, xay bột để làm các loại bánh, bún, làm rượu nếp, nấu rượu mạnh đồng thời chuẩn bị lễ để dâng lên chùa. Ngoài ra, người Lào còn chuẩn bị hoa để lễ Phật, cúng thần linh, trang trí nhà cửa và cài lên tóc các cô gái.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón Tết, chiều 14, sau một hồi trống chùa, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, tay mang những âu nước thơm hay mâm hoa quả, bánh trái, nến hương lên chùa dự lễ Tắm Phật.

Với phong tục té nước, người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, và mạnh khỏe. Ảnh: Internet.

Buổi lễ được bắt đầu bằng những lời kinh “Buột suột loi ka thông Pi mày” (Kinh thả hoa đăng năm mới). Một sợi chỉ trắng được buộc từ bàn tay của bức tượng Phật, nối dài qua tay của các sư thầy đang đọc kinh, như một lời phát nguyện cầu chúc bình an đến mọi người.

Sau đó, mọi người kính cẩn mang từng đèn hoa đăng xuống dòng sông Sêrêpôk với những lời cầu an và mong những điều phiền não trôi đi theo năm cũ đã qua. Tiếp đó, toàn thể bà con được nghe những lời cầu chúc nhân dịp năm mới theo nghi thức hành lễ dân gian của các bộ tộc Lào và tham gia Lễ tắm Phật. Từng đoàn người trật tự xếp hàng trước sau, thành tâm bước từng bước một lên và thực hiện nghi thức tắm Phật.

Thực hiện nghi thức tắm Phật. Ảnh: Internet.

Tiếp đến là nghi thức đắp tháp cát để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới, tập quán buộc chỉ cổ tay, cầu phúc năm mới cho các vị khách cũng được mọi người hào hứng tham gia. Theo đó, người chủ trì buổi lễ, hoặc chủ nhà sẽ buộc vào cổ tay của người thân và khách một vòng chỉ với nhiều màu sắc, biểu tượng hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành công… Sau ít nhất ba ngày vòng chỉ mới được tháo để điều may mắn đến với mọi người trong suốt cả năm.

Buộc chỉ cổ tay với mong muốn mang may mắn đến cả năm. Ảnh: Internet.

Còn với lễ té nước, những tiếng cười luôn rộn rã. Té nước là dịp để tỏ lòng tôn kính, yêu mến nhau với ước nguyện nước sẽ gột rửa điều xấu, bệnh tật và cầu chúc cho năm mới mạnh khỏe, tốt lành. Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn.

Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn. Ảnh: Internet.

Hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn có hơn 250 khẩu là người Việt gốc Lào sinh sống, tập trung chủ yếu tại xã Krông Na. Việc tổ chức Lễ hội Bunpimay thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

 

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo