Văn hóa

Đặc sắc Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer ở Sóc Trăng

Hàng năm, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Thắk Kôông nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người có được cuộc sống an lành, hạnh phúc... Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Khmer ở Sóc Trăng.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng có rất nhiều lễ hội truyền thống trong năm. Hầu hết các lễ hội của mang đậm tinh thần Phật giáo Tiểu thừa. Trong đó, không thể không nhắc đến Lễ hội Thắk Kôông.

Lễ hội Thăk Kôông, hay còn gọi là lễ hội cúng dừa, được tổ chức ở chùa Mahasal Thatmon, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 14 - 16 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội bắt nguồn từ truyền thuyết: Ngày xưa, ở An Trạch, tự nhiên nổi lên một gò đất hình dạng như chiếc cồng. Mỗi lần có chân người dẫm lên, gò đất phát ra âm vang như tiếng cồng. Ai lên giẫm được là gia đình may mắn, khỏe mạnh và mùa màng thuận lợi. Được ít lâu, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Người dân trong vùng tin là gò đất có thần linh, nên lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thăk Kôông. Trong tiếng Khmer, Thăk Kôông có nghĩa đạp cồng, nhằm gợi lại sự tích về tiếng cồng vang lên từ đất.

Lễ hội Thắk Kôông của người Khmer.

Lễ hội Thăk Kôông cũng như lễ hội cầu an, mong được trúng mùa, bà con bình an lao động sản xuất. Những lễ vật dâng cúng trong lễ này lại là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Chiếc bình bông làm bằng trái dừa vạt miệng, đây là loại trái cây có nước tinh khiết, ngọt lành.
Theo một số người, cúng dừa là nhằm cầu xin trời phật ban cho sự ngọt ngào để công ăn việc làm thuận phát, con cháu hiếu thảo. Ngoài ra, bên cạnh dừa, người ta còn dâng cúng trầu cau, bông sen, nhang đèn… Đó là những vật phẩm đồng bào Khmer Nam bộ gọi là Slathođôl – biểu tượng cho sự thanh khiết và thiêng liêng. Mỗi gia đình tùy theo lời nguyện của mình mà đem theo dâng cúng, thường thường mỗi gia đình đem 1 hay 2 cặp dừa dâng cúng nhưng cũng có gia đình đem đến 7-8 cặp dừa, có màu sắc khác nhau. Đa số lễ vật cúng có năm thứ tượng trưng cho năm vị Bồ Tát.

Trong ngày lễ hội đông đảo bà con đến chùa cầu nguyện.

Kết thúc lễ, người Khmer tổ chức nghi lễ tống tiễn. Tất cả lễ vật: Muối, gạo, củi... được đặt trong một chiếc thuyền bằng bẹ chuối. Các vị Acha tiến hành thắp nhang cầu khấn, tạ ơn thần linh. Sau 3 tuần rượu, nghi lễ kết thúc, tiếng trống, tiếng cồng vang lên, cờ lễ kéo xuống, kết thúc lễ hội. Lễ vật, thuyền lễ bằng chuối được mang đến một con kênh, thả trôi theo dòng nước.

Sau khi du khách ra về, bà con thực hiện nghi lễ rắc tro để cầu cho mùa màng tươi tốt. Nghi lễ này trước đây được thực hiện bởi những bà lão và thiếu nữ người Khmer, ngày nay, có sự tham gia của tất cả mọi người, người Khmer cũng như người Việt, người Hoa trong vùng. Họ lấy những hạt giống ngũ cốc đã được đặt trên bệ thờ suốt những ngày lễ hội, một ít tro, nhang từ các lư hương... mang ra rải trên cánh đồng, để dâng cúng đất đai, hồn lúa, những vị thần bảo hộ cho ruộng vườn, để tỏ lòng biết ơn và cầu mong những hạt giống ấy, những tro, nhang ấy sẽ mang về một vụ mùa bội thu, người dân no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội Thăk Kôông của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thể hiện ước vọng về sự an lành, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người người có được cuộc sống an lành, giúp người ta nhớ về cội nguồn, tổ tiên, ông bà để sống chan hòa và yêu thương nhau hơn.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo