Văn hóa

Đặc sản miền Tây thử lòng thực khách

Ẩm thực miền Tây từ lâu đã níu lòng du khách bằng những món ăn dân dã khó quên. Người miền Tây xem khô rắn như đặc sản, nhưng đối với nhiều du khách phương xa, việc nếm thử món ăn này là cả một thử thách.

Vào mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ trở thành vùng đầm lớn với rất nhiều loại rắn sinh sôi như rắn bông súng, rắn nước,.... Dưới bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây, rắn đã trở thành một loại thực phẩm đặc biệt, được biến tấu thành nhiều món ăn đa dạng như rắn nướng, lẩu, gỏi hay cháo. Trong đó, khô rắn là món đồ được ca ngợi như thứ đồ nhậu đặc biệt có thể chiều lòng thực khách khó tính nhất.

Khô rắn nức danh nhất phải kể đến vùng biên giới Tây Nam - nơi giáp ranh tỉnh An Giang và Campuchia. Tuy nhiên, nếu khô rắn Campuchia thiên về màu trắng thì khô của Việt Nam lại có sắc hồng. Theo mùa nước lên, các hộ làm nghề ở đây sẽ tập trung sản xuất vào 6 tháng lũ từ tháng 8 tới tháng 11.

Vào mùa nước nổi, ở đồng bằng Sông Cửu Long rắn nhiều vô kể.

Bắt rắn là nghề rủi ro cao, bởi chỉ sơ suất hay chậm vài giây sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Để tự bảo vệ cho bản thân, cánh "thợ săn" phải mang theo một lọ thuốc có tác dụng cầm cự mạng sống khi bị cắn, còn nếu muốn trị khỏi hẳn thì phải tìm thêm một số loài thảo dược khác để giải độc.

Để cắm câu, người làm nghề phải phán đoán được nơi rắn ở, thường thả câu trên hướng gió để rắn bắt được mùi và đến ăn. Địa điểm phải rậm rạp, vắng vẻ do rắn chỉ ở nơi yên tĩnh. Tốt nhất là tìm được nơi có rắn lột da. Tuy nhiên, những trường hợp đó phải thả cách xa 30-50m.
Mồi cắm câu rắn là chuột được trộn với thuốc Bắc. Thời điểm cắm thường bắt đầu vào sáng sớm. Câu sau khi được cắm phải che chắn bằng lá cây. Đợi đến sáng hôm sau, người bắt rắn mới đi thăm và thêm một ngày nữa thì bắt đầu nhổ câu…

Rắn mua về, người dân phân ra làm 2 loại: Một loại mổ bụng lấy nội tạng rồi mang rắn ra phơi nguyên con để làm khô. Với loại này, việc chế biến đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ngâm rượu. Loại kia người dân đem xẻ thịt, lột da rồi mới lấy thịt làm khô. Riêng này, việc chế biến phức tạp hơn.

Rắn mang về được lột da róc xương lấy thịt. Sau đó, nguyên liệu được ướp gia vị theo tỷ lệ gia truyền tùy từng nhà rồi cán mỏng thành từng miếng dẹt.

Để khô được ngon, ngoài khâu nguyên liệu được chú ý thì khâu chọn lựa nguyên liệu cũng rất quan trọng. Thông thường thợ làm khô rắn phải chọn thịt tươi và các công đoạn lột da, xẻ thị, ướp nguyên liệu… diễn ra nhanh chóng và liên tục để rút ngắn thời gian chế biến, giữ được chất lượng thịt và màu thịt rắn tươi ngon.

Khô rắn cần phơi khô dưới nắng giòn chừng 2-3 ngày. Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon thành phẩm. Nếu không may mẻ khô gặp phải thời tiết âm u dễ bị chua. Dưới nhiệt lượng đều của ánh nắng, từng thớ khô kết lại thành khối, cầm dẻo tay. Thành phẩm đạt yêu cầu có màu hồng tự nhiên. Ước tính 11-12 kg rắn sống sẽ làm được 1 kg rắn khô.

 

Có nhiều kiểu thưởng thức khô rắn nhưng cách phổ biến và đơn giản nhất chính là nướng với lửa. Tuy là món đặc sản ngon nức tiếng miền Tây, nhưng nhiều người vẫn không dám thử bởi bị ám ảnh về vẻ ngoài trơn tuột đáng sợ của những chú rắn lúc còn sống.


Món ăn từ rắn đã trở nên quen thuộc với người dân miệt vườn.

Lửa nướng vừa đủ để hơi nóng chín đều từng thớ thịt, đảm bảo bên ngoài hơi xém còn phần trong ngọt tự nhiên. Xé từng miếng khô nướng vàng xém, chầm chậm nhai để cảm nhận vị ngọt và mùi thơm khó tả đang lan đều trên cánh mũi.

Vị đậm đà của món ngon này có thể kết hợp cùng xoài sống hay cóc chua. Không chỉ là món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu, khô rắn còn là thứ ăn chơi hấp dẫn các chị em.

Có dịp ghé thăm miền Tây, bạn đưng quên thưởng thức khô rắn - món ngon lạ tai mà đậm đà. Đặc sản khô rắn mang về làm quà cho gia đình, bạn bè cũng là cách giới thiệu thêm nét đẹp vùng đất Nam Bộ với những người xung quanh.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo