Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đại gia "Đường bia": Sau bia cỏ là chung cư dát vàng

Chữ tín chính là nguyên tắc làm người và cũng là bửu bối giúp ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa Bình Group đạt được thành công trong cuộc đời nhiều chông gai của mình.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường

Giá trị của một lời cam kết

 
Tòa nhà Hòa Bình Green City những ngày đầu thu 2014 yên bình hướng ra sông Hồng lộng gió đang đón những chủ nhân mới. Điều ấn tượng nhất đối với nhiều người không chỉ là một không gian sống thoáng đãng bên sông Hồng, hay công trình có thể chống động đất cấp 8, mà là họ được sống trong “tòa nhà đầu tiên ở Việt Nam mạ vàng”.
 
Công trình của đại gia Nguyễn Hữu Đường được dát vàng 18k và 24k cho thành lan can, toàn bộ cửa thang máy, sảnh tầng 1. Đây là điều đặc biệt lần đầu tiên có ở hệ thống chung cư cao cấp tại Việt Nam.
 
Lúc bắt đầu xây dựng Hòa Bình Green City trên đường Minh Khai (Hà Nội), ông Đường không cam kết mạ vàng lan can căn hộ, thang máy tòa nhà. Nhưng với mong muốn biến Hòa Bình Green City trở thành một “kiệt tác vượt thời gian” với các căn hộ đạt tiêu chuẩn 6 sao, nên ông đã quyết định điều đó.
 
Mạ mỗi mét dài tốn 1 chỉ vàng và nếu tính bình quân mỗi căn hộ có 5 m lan can, thì chủ đầu tư tốn thêm hơn 20 triệu đồng. Không chỉ lan can, mà toàn bộ cửa thang máy, các phào của sảnh tầng 1 cũng đều được dát vàng. Điều đáng nói là, khách hàng không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào, toàn bộ đều do ông Đường chi trả.
 
Ít ai biết rằng, đây là dự án thứ hai mà ông Đường mạ vàng. Năm 2003, Công ty TNHH Hòa Bình (Hoabinh Group) triển khai dự án bất động sản đầu tay là Tháp đôi Hoà Bình trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Đường đã quy hoạch dự án này trở thành trung tâm thương mại với hệ thống văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn châu Âu.
 
Trước đó, trong chuyến đi Mỹ, khi tới Tòa tháp Empire State cao nhất New York, ông Đường mê mẩn những cánh cửa mạ vàng tại đây và quyết định trang hoàng như vậy cho tòa tháp của mình. Đây cũng là chi tiết mà ông thổ lộ với một số khách hàng khi quảng bá dự án và cam kết với đối tác khai thác dự án.
 
Nhưng khi bắt tay vào làm, ông mới ngã ngửa ra rằng, ở Đông Nam Á chưa hề có nước nào mạ nguyên cả bộ cửa nặng hàng tạ. Lúc đó, Hoà Bình nhập thang máy Mitsubishi của Nhật Bản, nhưng hãng này không có công nghệ mạ vàng cho thang máy và ở Việt Nam cũng không kiếm đâu ra xưởng mạ vàng cho thang máy.
 
Có người khuyên ông: “Hay mạ bằng titan vừa sang vừa rẻ”, nhưng ông hỏi lại: “Nếu có người hỏi tôi rằng, ông bảo cửa của ông bằng vàng, thế vàng đâu, thì tôi sẽ trả lời thế nào. Tôi không quen nói dối!”.
 
Mặc dù từ hồi làm xong cửa tại Dự án Hòa Bình Somerset trên đường Hoàng Quốc Việt, chẳng ai hỏi làm bằng vàng thật hay vàng titan, nhưng lòng ông thanh thản, dù phải bỏ ra 140 cây vàng để mạ cửa. Đúng là chữ tín đáng giá ngàn vàng, mà với ông Đường là vàng thật 9999.
 
Lời hứa hàng trăm tỷ
 
Giáp Tết Quý Tỵ, gặp tôi, ông Đường tâm sự: “Tôi sắp dành cả trung tâm thương mại của Hòa Bình Green City, miễn phí 10 năm cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt Nam chất lượng cao”. Đã biết nhiều về sự hào phóng, rộng rãi của ông Đường, nhưng tôi không khỏi sốc bởi 25.000 m2 được miễn phí trong 10 năm đồng nghĩa với một khoản tiền hơn 500 tỷ đồng nếu đem cho thuê.
 
Thực ra, quyết định của ông Đường là kết quả của một suy nghĩ sau hàng chục năm lăn lộn trên thương trường. Ông đã rất trăn trở khi thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng “đuối” trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thời mở cửa.
 
Tháng 4/2008, ông Đường đã gửi một bức tâm thư tới Bộ Chính trị đề xuất phát huy tinh thần dân tộc “Người Việt dùng hàng Việt”. Trong thư, ông Đường tha thiết: “Đề nghị các đồng chí chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông báo rộng rãi cho toàn dân biết tình hình đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Tuy rằng, chất lượng sản phẩm trong nước chưa cao, giá thành chưa có thể rẻ bằng các sản phẩm cùng loại nhập ngoại do các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn về vốn, việc đầu tư thiết bị sản xuất với công nghệ còn chưa hiện đại,  nên chưa thể giảm giá thành sản phẩm ngay được, nhưng bằng việc động viên, tuyên truyền, phát huy tinh thần ‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’, chúng ta sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển, có như vậy mới làm cho dân giàu, nước mạnh”.
 
Như mọi người đều biết, một năm sau, Bộ Chính trị có Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
 “Lúc trước, tôi đã nói về việc cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam để họ cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ nước ngoài, nhưng chưa có điều kiện để làm. Bây giờ có mặt bằng, tôi sẽ thực hiện đề xuất này”, ông Đường tâm sự.
 
Nói là làm, đầu tháng 7/2014, tại lễ bàn giao căn hộ cho những cư dân đầu tiên về ở Hòa Bình Green City, ông Đường đã công bố việc “tặng 25.000 m2 sàn thương mại cho hàng Việt”. Theo đó, Hoà Bình sẽ không thu tiền thuê mặt bằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mà khách thuê chỉ phải trả những chi phí cơ bản để vận hành trung tâm thương mại như tiền điện, nước, an ninh, vệ sinh, quản lý. Thời gian miễn phí thuê mặt bằng tối thiểu 10 năm.
 
Trọn vẹn một chữ “tín”
 
Chuyện lời nói của ông Đường đáng giá ngàn vàng không phải chỉ lần một, lần hai. Với ông, việc giữ lời hứa, thực hiện lời nói nghiêm túc đã trở thành lẽ sống, ngay cả khi ông còn ở thủa hàn vi.
 
Hồi còn là một thanh niên tay trắng, ông sắm được một chiếc đồng hồ Poljot (Liên Xô). Có lần, chiếc đồng hồ bị rơi, phải mở máy chỉnh lại, nhưng vẫn chạy rất tốt. Sau đó, do cần vốn làm ăn, ông Đường nhờ người nhà ở chợ giời mang bán. Đồng hồ Poljot hồi đó quý hiếm thường được rao bán với giá 360 đồng. Khách đã đồng ý mua giá này, nhưng ông Đường bảo: “Chiếc đồng hồ không còn zin, vì đã bị rơi một lần, nên tôi bớt cho anh 60 đồng”. 60 đồng hồi đó bằng lương của công chức trung cấp. Người khách thì mừng húm, còn người nhà ông Đường càu nhàu: “Chẳng ai như mày, người ta đâu biết đồng hồ không còn zin, mà cũng chẳng phải bớt tiền làm gì”.
 
Sau đó, có thời gian ông Đường là người xích lô thứ 100 và cũng là người “khóa sổ” cho biên chế xích lô chở bia của Nhà máy Bia Hà Nội. Dù làm nghề không được cao sang như cán bộ công chức, nhưng ông nhanh chóng trở thành “người nổi tiếng” với biệt danh Đường “bia”. Đã 30 năm trôi qua, người Hà Nội vẫn không thể quên cái tên Đường “bia”, các cửa hàng bán bia và tín đồ bia hơi Hà Nội không ai không biết đến cái tên này. Không phải vì ông nấu bia giỏi hay uống bia tài, mà chính là uy tín của ông trong việc cung cấp bia.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau khi hành nghề, hầu như ông Đường đã “bao thầu” phân phối bia, bởi đơn giản một điều, bia ông cung cấp ngon hơn tất cả. Bí quyết đơn giản ở một chữ tín. Thông thường, mỗi lần súc rửa xong trong bom bia thường còn khoảng 2,3 lít nước lã, người cung cấp bia không đổ hết mà bơm bia vào rồi mang đi bán, vì vậy mà bia nhạt, nhanh chua. Còn ông thì khác, bom bia được súc sạch, đổ hết nước lã, nên bia ngon, thơm lâu. Chẳng thế mà các cửa hàng, đại lý ở Hà Nội cứ chiều chiều ngóng cổ chờ bia ông Đường chở đến. Có ngày, ông Đường kiếm được 5 chỉ vàng từ phân phối bia.
 
Gần đây nhất, khi làm Dự án Hòa Bình Green City, dù chưa có giá bán, nhưng ông đảm bảo với khách hàng, với báo giới rằng, công trình chống động đất cấp 8, tường bằng bê tông, kính 3 lớp chịu nhiệt, 4 cầu thang thoát hiểm… Khi thiết kế công trình, ông kỳ vọng sẽ bán được với giá 1.600 - 1.800 USD/m2. Đúng lúc Dự án lên bệ phóng để bán hàng, thị trường bất động sản lao dốc, nếu bán với giá thấp hơn thì không có lãi. Nhưng lời hứa về một công trình chất lượng và đẳng cấp với khách hàng vẫn còn đó và lời hứa không để 500 công nhân thất nghiệp vẫn còn nguyên. Và như mọi khi, ông Đường quyết định hạ giá bán với mức giá 24,1 - 27 triệu đồng/m2 để giữ chữ tín, để lấy công làm lãi cho nhân viên…
 
Những ai quen biết ông Đường từ thuở hàn vi đều hiểu rõ tính cách con người ông, cho dù lúc bĩ cực nhất hay lúc phong quang nhất, bao giờ ở con người ông cũng chĩnh chện một chữ “tín”, kể cả với người không quen biết.
 
Cuộc đời ông cũng chứng kiến nhiều lần thất bại đắng cay chỉ còn bàn tay trắng… Nhưng đọng lại tất cả trong già nửa đời người của người doanh nhân nhân hậu này là một chữ “tín” mà ông luôn tự hào: “Tôi chưa bao giờ thất tín với ai”.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo