Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đại gia Dương Ngọc Minh: Nhẹ gánh nợ “nghìn tỷ” vẫn ôm thua lỗ

Chỉ trong vòng 3 tháng, Thủy sản Hùng Vương đã giảm được hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn, tuy nhiên, việc tiếp tục thua lỗ trong quý II đã đưa con số lỗ lũy kế của “vua cá tra” một thời lên 749 tỷ đồng. Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, HSX đã đưa cổ phiếu HVG vào diện kiểm soát đặc biệt.

Giảm hơn 2.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn

Từng là một trong những doanh nghiệp thủy sản đầu ngành với thương vụ M&A đình đám, Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) của ông Dương Ngọc Minh trong những năm gần đây vẫn loay hoay trong vòng xoáy nợ nần và thua lỗ.

Từ vị thế “ông vua cá tra”, Hùng Vương phải gánh khoản nợ phải trả lên tới 11.378 tỷ đồng vào cuối năm 2017, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn (tới 10.687 tỷ đồng).

Ông Minh đặt kế hoạch lãi 100 tỷ đồng cho Hùng Vương trong năm tài chính 2018.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, áp lực nợ nần đối với đại gia Dương Ngọc Minh đã “nhẹ gánh” hơn rất nhiều. Theo đó, so với cuối năm 2017, nợ phải trả của Hùng Vương đã giảm 2.649 tỷ đồng, còn 8.729 tỷ đồng.

Riêng nợ ngắn hạn giảm 2.755,5 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ vào sự thuyên giảm của vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn giảm mạnh hơn 2.379 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 2.835,5 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ giá trị hàng tồn kho giảm 1.339 tỷ đồng.

Trong khi cán cân tài chính đã trở nên lành mạnh hơn thì kết quả kinh doanh của Hùng Vương trong quý 2 năm 2018 (niên độ 1/10/2018-30/9/2018) vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng thua lỗ.

Cụ thể, trong quý 2 (từ 1/1/2018-31/3/2018), tổng doanh thu của Hùng Vương giảm 39% so với cùng kỳ, đạt trên 5.366 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu giảm 25% (với 2.296 tỷ đồng) và doanh thu nội địa giảm 45% (với 3.070 tỷ đồng). Đáng chú ý là trong kỳ, hàng bán bị trả lại tăng rất mạnh, gấp 6 lần cùng kỳ lên gần 29 tỷ đồng.

Tuy vậy, giá vốn hàng bán giảm gần 38%, chi phí tài chính giảm 24%, chi phí bán hàng giảm 18%. Việc thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con cũng mang về 134 tỷ đồng và đưa doanh thu tài chính tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, ghi nhận đạt 143 tỷ đồng.

 

Thế nhưng việc tiết giảm chi phí và tăng thu từ hoạt động tài chính vẫn không bù đắp được phần sụt giảm doanh thu kinh doanh chính, đã khiến trong quý 2/2018, Hùng Vương phải ghi nhận lỗ 233 tỷ đồng lỗ trước thuế và lỗ sau thuế 272 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến 31/3/218 lên hơn 749 tỷ đồng.

“Mệt mỏi và xấu hổ”

Hùng Vương đã lên kế hoạch thoái vốn từng phần, một số bất động sản như lô đất 765 Hồng Bàng (đã bán thu về 370 tỷ đồng hoàn tất vào tháng 2.2018), 94 Phạm Đình Hổ tại TP.HCM (đã bán 190 tỷ đồng hoàn tất vào tháng 3.2018).

Tổng giá vốn của hai miếng đất này là 283 tỷ trong đó Hùng Vương tham gia 60% vốn, 47% của công ty Việt Thắng đã thoái vốn xong và tái cơ cấu lại tài sản.

Nói với cổ đông tại phiên họp thường niên diễn ra mới đây, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, khó khăn nhất của Hùng Vương đã qua, vì công ty đã “tới đáy rồi”.

 

“Công ty sẽ gom vốn lại để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến cá tra, còn lĩnh vực đã bán đi và mời đối tác vào thì công ty đang tiến hành. Cụ thể là dự án heo đang có 2 đối tác tham gia vào. Tới tháng 9 sẽ hoàn tất những hạng mục dở dang để chuyển giao dự án này, sẽ sinh lời chứ không bị lỗ” – vị Chủ tịch của Thủy sản Hùng Vương cho hay.

Trong năm 2018, Hùng Vương đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng và không có kế hoạch chi trả cổ tức. Con số lãi 100 tỷ đồng được cho là bước an toàn nhất để năm nay không lỗ mà có lãi.

“Tôi cực kỳ xấu hổ và mệt mỏi. Công ty có những định hướng rõ ràng, đúng theo kịch bản đưa ra. Nhưng trong tháng 2/2017, việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng đã ảnh hưởng đến việc tài trợ vốn cho doanh nghiệp, tiền đưa vô là ngăn lại. Thời gian qua ngân hàng “nắn gân” công ty. Là một lãnh đạo doanh nghiệp tôi cũng mất ăn mất ngủ” – ông Minh giãi bày.

Tuy thua lỗ là vậy song ông Dương Ngọc Minh vẫn chưa có văn bản giải trình cho cổ đông và nhà đầu tư. Vừa qua, công ty này đã bị Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) nhắc nhở việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2018 và yêu cầu phải giải trình về tình hình thua lỗ trong quý II.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG hiện chỉ được giao dịch quanh mức giá 3.000 đồng. Từ ngày 4/6, cổ phiếu HVG đã bị HSX đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm “bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư” do công ty đã liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Theo đó, HVG chỉ được giao dịch vào các phiên chiều.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo