Văn hóa

Đậm đà bản sắc dân tộc tại Hội xuân Ba Bể

Cứ mỗi độ xuân đến, trăm hoa đua nở, trời đất vào xuân, vạn vật đổi mới, trong chúng ta, ai cũng háo hức chào đón mùa xuân. Người dân vùng hồ Ba Bể - Bắc Kạn cũng có tâm trạng hân hoan bởi không khí của ngày hội đã đến - Hội xuân Ba Bể.

 

Đến Hội xuân cầu mong “mưa thuận gió hòa”

 
Đây là một phong tục độc đáo của bà con miền núi, đặc biệt là đối với các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hmông ở miền đất vùng cao Ba Bể. Họ đến hội Xuân (hay còn gọi là hội “lồng tồng”) với một ý nghĩa cầu mong cho một năm bình an, sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
 
Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mồng 10, 11 tháng Giêng, cái tiết trời lạnh của vùng núi cao không ngăn nổi dòng người dân nơi đây và khách thập phương về với hội xuân. Những cô gái Tày, Nùng, Dao, Hmông  dập dìu xòe ô cùng với  những bộ xiêm y rực rỡ sắc màu trên những thửa ruộng bậc thang đổ về bãi Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (nơi tổ chức hội xuân).Vào những ngày này, bà con vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị cho ngày hội. Họ làm nhiều loại bánh khác nhau từ bột gạo nếp trộn lẫn với các loại lá rừng như bánh trời, bánh khảo, bánh nếp... rồi đặc sản rượu ngô được chưng cất bằng men lá. 
 
Đặc biệt, năm nay Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Vì vậy, Hội cũng được tổ chức công phu, hành tráng hơn mọi năm với hàng ngàn người đến tham dự từ các huyện thị trong và ngoài tỉnh.
 
Về với Hội xuân Ba Bể, du khách được hòa mình với không khí của ngày hội thật tưng bừng, náo nức. Cảm giác đầu tiên có lẽ là sự choáng ngập không những bởi băng rôn, khẩu hiệu… mà còn là sự độc đáo, sặc sỡ của những mái lều trại từ các xã về tụ hội tại đây. Mỗi xã, thị trấn trong huyện Ba Bể đều dựng trại và bày bán đủ thứ đặc sản của địa phương mình. Vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, măng khô, thậm chí cả khoai, sắn, bí ngô, đỗ mèo dân dã cũng được trang trọng bày ở bàn giới thiệu đặc sản địa phương.
 
 Các sản vật địa phương được bày bán trong lễ hội
 
Mỗi năm, phong tục lễ hội càng thêm phong phú nhưng nét truyền thống vẫn được giữ gìn, đảm bảo bản sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng. Hội xuân được diễn ra theo hai phần, đó là phần dâng lễ và phần hội. Phần dâng lễ được các cô gái chàng trai dâng các sản vật của quê hương để tế lễ thần đất, thần sông, thần hồ với lời cầu mong một năm mới an lành, mùa màng bội thu. Các sản vật của quê hương thật là giản dị, chỉ với một mâm xôi ngũ sắc, gà ôm hoa, bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời đất và sự giao hòa giữa con người và đất trời. Cùng với mâm lễ vật là bài cúng tế của “thầy mo” uy tín cầu mong nhân dân và du khách đã vượt qua những vất vả của năm cũ và đón nhận một năm mới tràn đầy hạnh phúc, ấm no, cầu được ước thấy. 

Đậm đà bản sắc dân tộc
 
Sau phần lễ là phần hội được diễn ra thật tưng bừng, náo nhiệt. Tiếng trống khai hội vang lên, các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với những câu hát sli, hát lượn, hát then cùng với tiếng đàn tính ….  lần lượt được trình diễn. Những câu hát giao duyên, những làn điệu “ nàng ới” được cất lên êm ái, ngọt ngào làm say đắm lòng người.
 
Không khí ngày hội càng trở nên thú vị, náo nhiệt hơn bởi những môn thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như bóng chuyền, đua thuyền bắt vịt, bịt mắt bắt dê, trọi trâu, trọi gà, đẩy gậy…và đặc biệt là hội tung còn. Những quả còn làm bằng vải chàm được buộc bằng sợi dây bện chỉ dài khoảng một 1m, đầu dây  có buộc túm tua lau đầy màu sắc cứ trao đi trao lại giữa những đôi tay mềm mại của các tràng trai, cô gái. Trò chơi tung còn này không chỉ đơn thuần là tung khéo, đẹp mà theo quan niệm của người dân nơi đây thì những quả còn là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Chính vì thế, các cặp trai tài, gái sắc tung còn cho nhau chính là trao tình cảm cho nhau.
 
 Hội xuân Ba Bể còn là ngày hội thể thao
 
Đến với Hội xuân Ba Bể, du khách còn được tha hồ thả mỉnh vào không khí nhộn nhịp của nét văn hóa ẩm thực  bởi những món ăn đặc biệt của quê hương như bánh trời, cơm lam, khẩu sli...
 
Mặc dù chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng năm nào cũng vậy, Lễ hội Xuân Ba Bể luôn thu hút hàng vạn du khách trong nước và nước ngoài tới tham dự. Bởi đến với hội xuân, du khách còn có thể đi du lịch trên hồ Ba Bể, thả mình giữa những “rừng cây chen đá, lá chen hoa”, đặc biệt là đi thuyền độc mộc giữa một vùng núi đá xanh biếc, hoang sơ. 
 

 

Theo Công Thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo