Dân Ném Thượng chém lợn bất chấp tranh cãi
Dù ngành văn hóa và bảo vệ động vật kêu gọi chấm dứt nghi thức có tính 'tàn bạo', làng Ném Thượng hôm nay tổ chức lễ chém lợn trước sân đình với sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương.
Sáng 24/2 (mùng 6 Tết), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) đã diễn ra với nhiều nghi thức tế rước long trọng hơn mọi năm. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đổ về từ sáng sớm, tò mò tham gia hội chém lợn gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Ngồi têm trầu chờ đoàn rước hai "Ông Ỉn" trở về đình, bà Nguyễn Thị Oanh (86 tuổi) cho biết, năm nay dân làng quyết định chém lợn theo nghi thức truyền thống. Ngày còn là đứa trẻ 6-7 tuổi, cứ mùng 6 Tết, bà lại theo chân bố mẹ ra đình xem hội. Chứng kiến cảnh chém lợn ở sân đình, bà không sợ mà thấy tự hào vì trước đó được nghe kể về ý nghĩa của nghi thức này cũng như chuyện về thành hoàng làng Lý Đoàn Thượng chém lợn khao quân.
"Thời kháng chiến chống Pháp, đình làng bị đánh phá, lễ hội thất truyền. Những năm vừa qua hội làng được phục dựng, dân làng ai cũng mừng. Chúng tôi chỉ mong giữ được truyền thống, bản sắc tốt đẹp của cha ông", bà Oanh nói.
Khoảng 11h30, đoàn rước tiến về gần sân đình, hàng nghìn người ở đủ lứa tuổi già, trẻ, gái, trai, song chủ yếu là thanh niên vây kín quanh hàng rào bao bọc khu chém lợn. Không có chỗ đứng, hàng trăm trai tráng trèo lên các cây cao, bờ tường gần sân đình để được chứng kiến nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Giữa trưa nắng, những giọt mồ hôi túa ra trên khuôn mặt chờ đợi của người xem. Xen lẫn tiếng loa đài của hội làng là những tiếng kêu, than vì bị chen lấn.
Giữa sân đình hai "cụ ỉn" được khoảng chục lực điền buộc dây giữ chắc 4 chân, nằm ngửa chờ thực hiện nghi thức. Đúng giờ Ngọ, tiếng trống khai đao vang dội, hai người đàn ông to lớn giơ cao thanh đao dài khoảng 2 m đã được tẩy rửa sạch sẽ, chém vào vùng cổ "cụ ỉn".
Tò mò tham gia ngày hội truyền thống của làng, nhưng Quỳnh Liên (18 tuổi) và không ít bạn trẻ khoác đồng phục học sinh phải nheo mắt, bịt miệng khi chứng kiến nghi lễ.
Chưa đầy 5 phút, nghi thức chém lợn được hoàn thành. Người dân mang thủ hai "cụ ỉn" và kéo thân lợn vào khu vực làm cỗ ngọc tế thánh. Vệt máu lợn bết thành dọc dài từ nơi diễn ra nghi thức đến khu làm cỗ được nhiều thanh niên, trẻ nhỏ lấy tiền lẻ quết vào. "Tờ tiền có máu của cụ ỉn này sẽ được phơi, để ở đầu giường với mong muốn việc chăn nuôi, làm ăn được thuận lợi", một người dân giải thích.
Theo nhiều người dân địa phương, từ ngày lễ hội chém lợn được phục dựng, việc làm ăn, học hành của nhân dân, con em trong làng trở nên thuận buồn xuôi gió. Vì thế 2 năm trước không được thực hiện nghi thức truyền thống, bà con cảm thấy rất buồn.
Trước những ý kiến phản đối lễ hội vì dã man, không nhân văn, ông Vũ Văn Tự (74 tuổi) nói: "Vật được nuôi cũng là để phục vụ con người. Việc chém nó không có gì ghê gớm. Ở thủ đô một ngày tiêu thụ hàng trăm tấn thịt lợn, thịt chó thì đương nhiên cũng phải giết nó mới ăn thịt được".
Đến Ném Thượng sau khi đọc những tranh cãi về lễ hội và chứng kiến nghi lễ, ông Vũ Văn Nam (40 tuổi, TP Bắc Ninh) nhận xét đây là tục lệ mang tính tín ngưỡng của người dân địa phương và "không quá dã man".
Dự lễ chém lợn từ đầu đến cuối, GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, cho rằng nên để người dân giữ nguyên tục chém lợn truyền thống.
"Việt Nam tham gia công ước bảo vệ động vật hoang dã chứ chưa có công ước nào bảo vệ động vật nuôi. Loài lợn ở đây là động vật nuôi và nghi thức chém lợn là nghi thức hiến sinh để người dân địa phương dâng lên vị thành hoàng họ tin tưởng, món thực phẩm Ngài đã dùng khi sinh thời. Ta nên tôn trọng ý nguyện cộng đồng là để họ duy trì nghi thức truyền thống bởi hơn ai hết, cộng đồng là nơi lưu giữ bảo vệ tốt nhất di sản của họ", GS Bền nói.
Trước đó, tổ chức Động vật châu Á gửi thư ngỏ kêu gọi các cơ quan chức năng Việt Nam ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Đề xuất này gây làn sóng tranh luận gay gắt.
Trong khi các nhà văn hóa chỉ trích lời kêu gọi là "sự áp đặt của văn hóa phương Tây", thì các chuyên gia giáo dục đồng tình với việc nên loại bỏ những nghi thức "hành xử dã man", "gây đau đớn với động vật". "Không nên lấy cái gọi là niềm tin, tín ngưỡng để duy trì những hủ tục lạc hậu trong đời sống. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn minh của xã hội, tâm lý con người, đặc biệt là trẻ con, không có lợi cho giáo dục", PGS Đinh Thị Kim Thoa (giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội "chém lợn" thành "rước lợn" và giết mổ ở hậu cung để tránh hình ảnh phản cảm. Vấp phải sự phản ứng gay gắt của những người cao tuổi làng Ném Thượng, cuộc họp không mang đến sự thay đổi nào. Việc lễ chém lợn vẫn diễn ra trước sân đình, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Bắc Ninh cho biết, đã tổ chức tuyên truyền thuyết phục người dân, song cần có thời gian để dân hiểu.
Sau lễ chém lợn, người phát ngôn Bộ Văn hoá Phạm Đình Tân khẳng định Bộ giữ nguyên quan điểm: "Không ủng hộ các lễ hội mang tính tàn bạo, hủ tục lạc hậu. Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục nhân dân".
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo