Phó ban tổ chức lễ hội Chém lợn (Bắc Ninh) Nguyễn Đình Lợi cho biết, công tác chuẩn bị cho hội làng đã hoàn tất. Năm nay, người Ném Thượng sẽ thực hiện nghi thức truyền thống chém lợn ở sân đình.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi), Hội trưởng Hội người cao tuổi làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), Phó ban tổ chức lễ hội Chém lợn cho biết, chiều 22/2 (mùng 4 Tết), buổi tổng duyệt trước lễ hội đã diễn ra tốt đẹp. Mọi công tác chuẩn bị cho hội làng đều hoàn tất. Đồ thờ cúng được chuyển ra ngoại tự. Hai cây đao dùng để chém lợn đã sẵn sàng cho công việc làm cỗ ngọc tế thánh.
"Năm nay, người Ném Thượng sẽ thực hiện nghi thức truyền thống là chém lợn ở sân đình", Phó ban tổ chức lễ hội Chém lợn khẳng định. Sau cuộc họp với lãnh đạo thành phố Bắc Ninh chưa đi đến thống nhất về tổ chức nghi thức chém lợn, ngày 13/2, trưởng các dòng họ trong làng Ném Thượng đã họp bàn với nhau. Tại đây, hơn 20 đại diện cho nhân dân trong làng thống nhất sẽ giữ nghi thức truyền thống của cha ông là chém lợn ở sân đình.
"Các cụ nói, lễ hội là việc của làng và nghi thức chém lợn không vi phạm pháp luật nên phải để dân làng tự quyết. Chúng tôi muốn giữ bản sắc của cha ông", Hội trưởng hội người cao tuổi làng Ném Thượng nói.
Lễ hội chém lợn năm nay sẽ được tổ chức quy mô, hoành tráng hơn bởi theo Phó ban tổ chức, dân làng đã dự tính sẽ có nhiều du khách, báo giới tới tham dự.
Sáng 23/2 (mùng 5 Tết) sẽ khai mạc lễ hội Chém lợn với các hoạt động hát quan họ, thi nấu xôi... Chiều cùng ngày, hai ông Ỉn được rước từ nhà nuôi về đình để mùng 6 Tết nghi thức rước quanh làng, qua nơi tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân sẽ long trọng diễn ra. Đúng giờ Ngọ, hai thủ đao sẽ khai đao giữa sân đình và làm cỗ ngọc tế thánh theo nghi thức truyền thống.
Ngày 27/1, tổ chức Động vật châu Á gửi thư ngỏ kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Đề xuất này gây làn sóng tranh luận. Các nhà văn hoá thì cho rằng không nên áp đặt quan điểm phương Tây cho tín ngưỡng dân tộc. "Tục chém lợn là để cầu may mắn, nó vượt qua cả khái niệm dã man hay không dã man", PGS Trần Lâm Biền khẳng định. TS dân tộc học Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lào Cai) cũng cho rằng, văn hoá là phải có bản sắc riêng và giá trị của nó nằm ở các câu chuyện, nguồn gốc của phong tục, khiến người xem phải hứng thú tìm hiểu.
Trao đổi với VnExpress ngày 6/2, người phát ngôn Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Phạm Đình Tân nhấn mạnh: "Bộ không bao giờ ủng hộ các lễ hội mang tính tàn bạo, hủ tục lạc hậu" và không nên bảo thủ giữ lễ hội Chém lợn.
Theo VnExpress