Đảo Robben – một phần ký ức về người cha già của đất nước Nam Phi
Con người đã có mặt trên Robben hàng ngàn năm trước từ khi đảo vẫn còn là một phần của lục địa. Mực nước biển dâng cao dần và tách Robben Island ra khỏi Cape Town khoảng 7 km. Sau khi người Hà Lan đặt bước chân khai phá vùng cực nam đất nước Nam Phi những năm 1600, đảo Robben bắt đầu được sử dụng như một nhà tù.
Nhà lãnh đạo Nam Phi bản xứ, hay người đứng đầu của hội Hồi giáo từ Đông Ấn, lính và người dân Hà Lan, Anh Quốc, phụ nữ và những người chống lại chủ nghĩa Apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), người thành lập hội Pan Africanist ông Robert Mangaliso Sobukwe… đều từng bị giam ở đây. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là cựu tổng thống, người cha già của đất nước Nam Phi Nelson Mandela, người đã qua đời tuổi 95.
Đảo Robben không chỉ được sử dụng như một nhà tù, đó từng là nơi huấn luyện quân đội và khu phòng thủ trong Thế Chiến II (1939 – 1945) đồng thời cũng là bệnh viện chuyên tiếp nhận những người bị bệnh phong, tâm thần, nan y. Với vị trí tách biệt, đảo Robben được chọn để vừa tránh những mầm bệnh xấu lan tỏa vào đất liền vừa là nơi chữa trị tốt nhờ môi trường khí hậu trong lành.
Những năm 1800, Robben gần như là nhà tù của chính các bệnh nhân được đưa đến đây bên cạnh tù nhân chính trị. Từ năm 1997, nhà tù cũ trên đảo được biến thành bảo tàng và công nhận là di sản quốc gia. Hai năm sau đó, Robben Island tiếp tục được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Ngày nay, đây là trung tâm giáo dục lịch sử, chính trị cho các học sinh sinh viên cùng du khách đến để tìm hiểu một phần quá khứ nhiều biến động của đất nước cực nam Phi Châu và tưởng nhớ đến nhà lãnh đạo Nelson Mandela. Trong 27 năm sống trong lao ngục, Nelson Mandela đã bị giam cầm ở đảo Robben 18 năm
Đảo Robben rộng khoảng 5 km2, có 4 bảo tàng chính gồm Recidency Museum, Van Riebeeck Museum, Battery Museum, Prison Museum cùng ngọn hải đăng và khu tưởng niệm Moturu. Hành trình sẽ đưa du khách đến thăm nhà tù và buồng giam ông. Đó là một hành lang âm u với bức tường đá lạnh lẽo, sau song sắt là không gian chật hẹp, trên nền đất trải tấm chắn mỏng cùng chiếc bàn với gạt tàn, thùng vệ sinh của tù nhân mang mã số 46664 – Nelson Mandela.
Nelson cùng các bạn tù phải lao động rất khổ cực ở mỏ đá vôi ngay trên đảo. Sau những giờ mệt mỏi ấy, ông lại lao vào tranh đấu, gây dựng phong trào chống chủ nghĩa Apartheid ngay trong lao ngục. Ngày nay, mỏ đá là một phần của tour tham quan đảo Robben. Nơi đó vẫn còn tháp canh từ thế chiến 2 và đặc biệt là những viên đá do Nelson Mandela và các cựu tù nhân xếp thành một khối hình ngọn núi.
Chuyến thăm đảo cũng không thể thiếu khu tưởng niệm Moturo Kramat, một điểm hành hương thiêng liêng của người Hồi giáo được dựng nên năm 1969 nhằm tưởng nhớ Sayed Abdurahman Moturu một trong những lãnh tụ hồi giáo đầu tiên của Cape Town mất năm 1745 ngay trên đảo.
Điểm cuối cùng trong hành trình thường là ngọn hải đăng được xây trên đồi Minto cuối năm 1864, đầu 1865 cao 18 m. Đây là ngọn hải đăng duy nhất ở Nam Phi sử dụng đèn chớp tắt chứ không phải dạng đèn quay tròn bình thường. Thuyền bè từ khoảng cách 24 hải lý có thể nhìn thấy để tránh bị va vào đá ngầm khi đi quá sát bờ.
Nhiều người thường nói, ở đảo Robben có 2 ngọn hải đăng, một là hải đăng Robben Island và một là hải đăng Nelson Mandela ý chỉ sự sáng suốt và lý tưởng cao cả của vị anh hùng, người cha già của đất nước Nam Phi. Ngọn hải đăng ấy nay đã tắt, nhưng vẫn để lại ánh sáng vĩnh cửu trong lòng từng người dân Nam Phi nói riêng và cả những người da đen nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Nhật Kim Anh đáp trả hài hước khi bị mỉa mai chụp quá nhiều bộ ảnh bầu bí, đính chính luôn điều này
Chàng trai khiếm thị và trái tim ngập tràn yêu thương