Văn hóa

Đầu năm cả bản đi ăn trộm lấy may

Vào dịp đầu năm mới, cả bản người Dao đỏ cùng khua chiêng, gõ trống rủ nhau đi… ăn trộm để lấy may. Cứ như thế trong nhiều năm, việc ăn trộm đã trở thành cái tục và trở thành nét văn hoá đẹp, độc, lạ ở xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ).

Không biết từ bao giờ, người Dao đỏ nơi đây đã có tục đi ăn trộm vào dịp tết để lấy may, chỉ biết rằng năm nào cũng vậy cứ vào đêm Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) là cả bản lại khua chiêng gõ trống, kéo nhau thành đoàn đi ăn trộm.

 

Nhà nhà “ăn trộm”, người người là “kẻ trộm”, mặc dù là ăn trộm, song chẳng pháp luật nào can thiệp đến, họ ăn trộm là để lấy may, để mọi người cùng vui và không có sự lợi dụng để vi phạm háp luật.

 
Hai tên trộm lẩn vào bếp trộm thịt.
 
7 giờ tối, con đường nhỏ chạy qua bản Thà Giàng đã chật kín người, đoàn người vừa đi vừa thổi kèn, khua chiêng, gõ trống.
 
Thỉnh thoảng họ dừng lại trước cửa một gia đình nào đó một lúc thật lâu, tiếng chiêng, trống cứ vang cho đến khi ngừng thì lại thấy mọi người vỗ tay và reo hò như đang xem hội. Đó là mấy “tên trộm” vừa bị gia chủ bắt phạt vạ bằng cả bát rượu thóc còn nồng mùi men.
 
 Những “tên trộm” kịp cắt mất khoanh thịt và “thó” mất chai rượu của gia chủ để trong góc bếp, chủ nhà đã đề phòng trước và bố trí người “đón lõng”.
 
Thế nên khi đang hớn hở đi ra với “chiến lợi phẩm” trên tay thì “kẻ trộm” bị chủ nhà tóm gọn bị phạt vạ đến chếnh choáng say. Dù bị bắt phạt vạ nhưng mấy “tên trộm” rất vui vẻ, bởi không lấy trộm thành công nhưng lại được uống no rượu của chủ nhà, thế cũng đủ may mắn cả năm rồi.
 
Gia chủ cũng cười tít mắt, bắt được trộm lại phạt vạ được nó, có mất chút rượu cũng bõ vì như thế là may mắn, vì nhỡ không bắt được, để mai “trộm” mang chiến lợi phẩm đến đòi rượu đền thì vừa mất rượu oan vừa kém may mắn cả năm.
 
Những “tên trộm” kém may mắn bị chủ phạt rượu say túy lúy.
 
Chứng kiến cái cảnh chủ, trộm phạt vạ nhau mới thấy thì ra đi ăn trộm ở đây lại vui đến thế. Theo ông Lý Chỉn Quẩy (80 tuổi) – người có uy tín ở Sì Lở Lầu thì việc ăn trộm trong ngày này là hợp pháp, người nào cũng có thể là “kẻ trộm” và nhà nào cũng có thể bị mất trộm, thậm chí là mất trộm nhiều lần.
 
Tuy nhiên tục đã quy định, kẻ trộm chỉ được lấy những thứ như thịt, rượu, hành, tỏi và thứ gì cũng chỉ một ít. Nếu lợi dụng trộm những thứ khác với mục đích khác, bắt được sẽ đưa ra pháp luật.
 
Người nào đi ăn trộm thành công thì cả năm đều may mắn, hoặc nhỡ có bị bắt mà bị phạt vạ cũng vui vẻ vì vẫn được chủ nhà phạt vạ bằng cách bắt “kẻ trộm” uống từ 1 đến 3 bát rượu; trước đây người ta còn bắt ăn một miếng thịt sống thì mới được tha về nhưng nay thịt đã được nấu chín chứ không còn ăn sống nữa.
 
 Đang dở câu chuyện với ông Quẩy thì tiếng mọi người hô vang “thằng trộm bị bắt rồi, mang rượu ra đây để tao phạt nó”. Tiếng người xem cười ồ lên từng đợt mỗi khi Phàn Phủ Liều – tên trộm kém may mắn ngửa cổ dốc chai rượu vào miệng nuốt ừng ực.
 
Nhìn “kẻ trộm”đã chếnh choáng mà chủ nhà vẫn chưa muốn “tha” cho về, cho đến khi những người đứng xem can gián mãi chủ nhà mới chịu “bỏ qua”. Tên trộm được phen túy luý vì từ tối đến giờ đã hai lần bị phạt và mà chưa bắt đền được nhà nào.
 
Đêm càng về khuya, tiếng chiêng, trống cũng bớt dần, đoàn người đi ăn trộm cũng thưa hơn vì đã có nhiều “tên trộm” kém may say nghiêng ngả.
 
Thỉnh thoảng lại có tiếng đập sào đuổi trộm lụp bụp từ những vườn rau của bà con vọng lại; tiếng xé rào tẩu thoát soàn soạt của những “tên trộm”, tiếng hô hoán của mọi người và tiếng cười giòn tan của người thắng cuộc.
 
 Trong cuộc trộm đêm Nguyên Tiêu, thực ra chẳng có kẻ thắng người thua, chỉ có người may mắn, kẻ kém may, nhưng tất cả dù may hay kém may thì cũng đều vui vẻ,  bởi họ đi ăn trộm chỉ để lấy may, một thú vui ngày xuân đã thành cái tục không thể thiếu của bà con người Dao đỏ vùng biên viễn này.
 
 
 
Theo Báo Lai Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo