Văn hóa

Đau xót nhớ "bố" Bằng

(DNVN) - Thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vẫn là cú sốc đối với người hâm mộ và các nghệ sĩ. Nhiều danh hài đau xót khi kể về kỷ niệm với "bố" Bằng.

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là gương mặt nghệ sĩ gạo cội cùng thời với những tên tuổi ​lớn như NSND Trịnh Thịnh, NSƯT Trịnh Mai, NSƯT Trần Hạnh, theo tin tức trên báo Đại đoàn kết. 

Người hâm mộ không thể nào quên nụ cười hiền hậu của nghệ sĩ Phạm Bằng. 

Các vai diễn “sếp đầu hói” trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên kênh VTV3 đã đưa tên tuổi NSƯT Phạm Bằng đến gần hơn với công chúng.

Một số tiểu phẩm tiêu biểu của Phạm Bằng ​trong chương trình này là: “Nghe đồn”, “Cờ bạc”, “Về quê”…Trước khi nổi tiếng nhờ các vai hài, ông là một diễn viên chính kịch có tài. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ông gần như không tham gia diễn xuất. 

Chia sẻ với báo chí, ông từng tâm sự 2 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ông chính là người mẹ tảo tần và người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng mà bươn chải. Vợ của NSƯT Phạm Bằng đã mất cách đây hơn 10 năm. Chính vì thế với ông, việc đi diễn còn là cách để khỏa lấp những trống trải trong lòng.  

Nghệ sĩ Phạm Bằng còn được biết đến là ông chủ của quán bánh trôi tàu nổi tiếng tại số 30 Hàng Giầy- Hà Nội. Ông bán hàng cũng có duyên như diễn hài vậy nên quán lúc nào cũng đông khách.

Không giấu được sự tiếc thương trước sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng, nghệ sĩ Xuân Bắc nói: “Bố Phạm Bằng mất đi, anh em nghệ sĩ mất đi chỗ dựa về tinh thần, một tấm gương về ý chí, cách làm việc nghiêm túc”, báo Dân trí đưa tin. 

 

Xuân Bắc cũng chia sẻ, anh và những đồng nghiệp như Tự Long, Công Lý… vẫn thường bảo nhau rằng, không biết khi bằng tuổi nghệ sĩ Phạm Bằng thì các anh có được sức dẻo dai để diễn như ông không? “Công Lý vẫn bảo “bố Bằng thoại choanh choách”, Tự Long mỗi lần gặp bố Phạm Bằng thì lại gần bóp tay bố cười vui “rắn lắm, không bì được đâu”. Nói như thế để thấy rằng, sự nhanh nhẹn, sức làm việc của bố không phải ai cũng có”, anh bộc bạch.

Cùng tham gia diễn Gặp nhau cuối tuần, Gala cười với nghệ sĩ Phạm Bằng, Xuân Bắc nói ông có nhiều vai diễn để đời “yêu không chịu được”. “Tôi còn nhớ vở diễn mô phỏng dựa theo bộ phim “Titanic”- Gala cười 2006, bố Phạm Bằng diễn với anh Quang Thắng, Vân Dung và tôi. 

Bố Phạm Bằng và anh Quang Thắng diễn xuất hài hước với những lời thoại mà cho đến giờ tôi vẫn thuộc làu làu: “Nó kia rồi, nó kia rồi, sếp ơi”/ “Đâu, đâu, đâu, đâu”/ “Nó kia kìa, nó kia kìa, nhìn đi”/ “Đâu, đâu, đâu, đâu”…”

Không chỉ có sức dẻo dai, sự đam mê nhiệt huyết; nghệ sĩ Phạm Bằng trong mắt nghệ sĩ Giang “còi” còn là bậc cha chú cẩn thận, chỉn chu trong nghề: “Bác Phạm Bằng đi diễn từ thời bố mẹ tôi còn đang làm công nhân, còn tôi thì bé tí. Thời đó, lũ trẻ con chúng tôi được xem suất trước 19 giờ. 

Sau này được cùng làm nghề với bác Phạm Bằng, tôi đã học hỏi được rất nhiều. Mỗi lần đi diễn cùng nhau, giờ ăn nhấm nháp chút rượu, bác cháu tôi trò chuyện từ nhân tình thế thái đến lối diễn xuất ra sao, kịch bản thế này mình diễn như thế nào. 

 

Bác nói, trước khi nhận vai diễn gì mình phải có thời gian nghiên cứu kỹ kịch bản cũng như nhân vật để hóa thân cho thấm. Học hỏi từ bác, tôi không bao giờ vội vàng nhận lời diễn hoặc chạy show diễn chớp nhoáng, kịch bản chưa có, nhận nhân vật trước khi diễn…”

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Dân trí, Đại đoàn kết)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo