Văn hóa

Để du khách đã đến Việt Nam muốn quay trở lại Việt Nam

(DNVN)-Sự sụt giảm của lượng khách du lịch đến Việt Nam là một vấn đề trọng tâm được chính phủ tập trung, dành nhiều thời gian thảo luận tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra hôm 27/5, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp lần này, Chính phủ đã nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ VH-TT&DL trình.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo kết quả thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu lượt, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là vấn đề lớn, bởi du lịch là ngành mũi nhọn của cả nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng.

Mở rộng miễn visa cho khách du lịch

 Visa nhập cảnh được coi là một trong những nhóm chính sách có tác động mạnh đến du lịch. Đơn giản hóa chính sách visa là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, trao đổi khách và giao lưu văn hóa, thể hiện mức độ hội nhập của một quốc gia điểm đến.

Theo tính toán của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam đang miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Từ khi miễn visa (năm 2014) khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần... tốc độ tăng trưởng lớn hơn bình quân tăng trưởng khách quốc tế.

Theo đề xuất của Bộ VH-TT&DL, ngoài 7 nước đang được miễn visa, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược, toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn.

 

Thành lập Quỹ phát triển du lịch (VTF)

 Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: Dự kiến Quỹ phát triển du lịch có quy mô từ 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hàng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn chi. Trong đó 30% là từ nguồn ngân sách Nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề xuất thu từ khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cụ thể là trích từ tiền phòng khách sạn 1 đêm từ mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức từ 10.000-20.000 đồng/khách/đêm lưu trú tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Đây là khoản thu phù hợp với thông lệ quốc tế mà hiện nay nhiều nước đang triển khai.

Sau 2 năm thực hiện, sẽ áp dụng đối với tất cả khách sử dụng dịch vụ lưu trú, và tất cả các loại hình cơ sở lưu trú bao gồm cả khách du lịch quốc tế và nội địa. Riêng khách du lịch nội địa sẽ đề xuất phương án sau. Ngoài ra còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch. Chính phủ cũng nhất trí với các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình.

 

Cùng với 2 giải pháp cơ bản nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan tham mưu về việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục yếu kém của các ngành, các cấp, các địa phương và tìm giải pháp khắc phục, sao cho phát triển du lịch phải gắn với liền với phát triển văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch hiện có. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, để khách du lịch đã đến VN muốn quay trở lại Việt Nam...

NM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo