Văn hóa

Đêm nghệ thuật Xẩm và đời

Hát Xẩm là nghệ thuật dân gian đặc sắc và lâu đời đã có mặt ở nhiều địa phương trên miền Bắc, đặc biệt rất phổ biến ở Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 cho tới những năm của thập niên 70 thì bị mai một do quan niệm sai lầm khi đánh đồng nghệ thuât hát xẩm với những người hành khất. Cho nên hát Xẩm không được tôn vinh đúng như giá trị nghệ thuật chứa đựng trong bản thân nó.

Đại biểu tham dự họp báo Xẩm và Đời tại Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch

Để bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm, ngày 20/1 tới đây Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát hy văn hóa dân tộc sẽ tổ chức đêm nghệ thuật Xẩm và đời.

Thực chất, hát Xẩm có thể coi là một nghề đáng trân trọng, bởi dù người hành nghề có kém may mắn nhưng họ đã lấy nghề đàn hát làm phương tiện kiếm sống chứ không chịu trở thành gánh nặng cho xã hội. 
Nhìn nhận được những giá trị nghệ thuật và ý nghĩa cao đẹp của nghề hát Xẩm, bên cạnh đó là thực trạng nghệ thuật hát Xẩm đang có nguy cơ thất truyền, những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã hợp sức để phục hồi dòng nghệ thuật độc đáo này. Hát Xẩm đã được người xem trong và ngoài nước yêu thích, ngợi khen. 
 
Tại liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Tokyo tháng 2 năm 2009 các chuyên gia âm nhạc Nhật Bản đánh giá hát Xẩm là đặc sắc nhất. Nghệ thuật hát Xẩm sẽ được tiếp nối các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng tây nguyên, Ca trù, Quan họ… đề cử với Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
 
Tuy nhiên, cũng như đời sống của chính những “báu vật” xẩm, mặc dù bền bỉ giữ nghề với tình yêu cao cả, nhưng bài toán khó khăn về đời sống là bài toán luôn khó để tìm đáp án. Xẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức và việc gìn giữ phụ thuộc vào những nghệ sĩ yêu nghề, mong muốn giữ lại vốn quý nghệ thuật dân tộc. Hầu hết các hoạt động của xẩm đều do các cá nhân nghệ sĩ, những người quan tâm đến xẩm đóng góp tự nguyện. Đó cũng chính là lý do vì sao xẩm rất khó để có thể tổ chức các đêm diễn cho riêng mình, dù sự ủng hộ của công chúng không phải ít ỏi. Gần đây, những bài xẩm khi được đưa lên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt người xem. Điều đó chứng tỏ xẩm luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Đây cũng chính là yếu tố quyết định để Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc cùng CLB Xẩm Hà Thành đưa xẩm trở lại sân khấu lớn, với khát khao sẽ tổ chức định kỳ hàng năm để xẩm khẳng định lại vị trí tiêu biểu của mình trong dòng âm nhạc dân gian. Để làm được điều này, xẩm rất cần sự ủng hộ về vật chất từ các nhà hảo tâm để có thể cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy vốn quý loại hình âm nhạc dân tộc này. Những đêm diễn trước của xẩm tại Nhà hát lớn được giới truyền thông, công chúng đặc biệt chú ý, quan tâm. Đó là động lực lớn để Xẩm trở lại với công chúng trong một đêm diễn đặc biệt. 
 
Sự trở lại của Xẩm lần này sẽ mang dáng dấp phố thị, sẽ giúp công chúng thấy Xẩm đã sống trong lòng Hà Nội ra sao và đang phát triển trong đời sống, trong đối tượng công chúng trẻ ngày hôm nay như thế nào. Với những lời ca sâu sắc, gần nhất với đời sống, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của người dân, Xẩm luôn luôn có vị trí, giá trị xứng đáng dù ở bất kỳ giai đoạn nào, dù xã hội có thay đổi ra sao đi chăng nữa. Chính điều này đã giúp Xẩm nhận được sự quan tâm, ủng hộ hết lòng của công chúng yêu nghệ thuật dân gian Việt Nam và giới truyền thông cũng như các bạn trẻ đang có nhu cầu tìm hiểu về vốn văn hóa, nghệ thuật quý báu của dân tộc. Đây cũng là lý do để người đẹp Trà Ngọc Hằng xuất hiện trong đêm diễn với vai trò người dẫn chuyện cùng nhà thơ Vũ Quần Phương. Đã từng gây ấn tượng khi có những chuyến đi thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu khi bà còn sống, được nghe bà hát, được chứng kiến tình yêu không bờ bến của bà đối với Xẩm, Trà Ngọc Hằng cũng đã yêu Xẩm từ đó như một mối nhân duyên. Chính vì vậy, trong các hoạt động của nhóm Xẩm Hà Thành, Trà Ngọc Hằng luôn tích cực cổ vũ, ủng hộ. 
 
PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo