Văn hóa

Đi Mong – nghề độc đáo của biển Trà Vinh

Biển miền Tây đa phần là bãi bồi nhiều phù sa, đây cũng chính là đặc điểm riêng tạo nên nét độc đáo của vùng, từ đây một nghề của biển đã hình thành – nghề đi Mong, hay còn gọi là trượt ván bắt cá.

Nghề đánh bắt cá là một ngành nghề khá phổ biến và là nghề mưu sinh chủ yếu của người dân sông nước Miền Tây. Nó gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ đã đi qua theo từng con nước của dòng sông mang tên chín rồng. Dọc theo dòng sông Cửu Long, tuỳ theo mỗi vùng, tuỳ theo con nước, và tuỳ theo mỗi loại cá, mà có hình thức đánh bắt khác nhau, rất phong phú và đa dạng. Đối với những bãi bồi ven biễn Tây Nam bộ thì hình thức đi Mong có thể xem là một nghề, một nét văn hoá biển Tây Nam Bộ.

Về với biển Tây Nam bộ, khá nhiều du khách sẽ cảm thấy thất vọng vì biển nơi đây đa phần là bãi bồi nhiều phù sa, không thích hợp tắm biển.

Nhưng chính vì đặc điểm này đã tạo nên một nghề của biển – nghề đi Mong, hay còn gọi là trượt ván bắt cá.“Mong” là một tấm ván mỏng được người dân ở đây chế tạo dùng làm phương tiện di chuyển trên bùn lầy nhanh và nhẹ nhàng dọc bãi bùn ra đến thềm nước để thả lưới bắt con cá, con sò trang trải cuộc sống hằng ngày.

Nghề đi Mong đã có lịch sử ít nhất vài trăm năm tại các vùng ven biển Miền Tây nói chung, cũng như Cầu Ngang – Trà Vinh hay Trần Đề – Sóc Trăng nói riêng. Không ai nhớ nổi nghề này có tự khi nào, chỉ biết từ rất xưa và đã được từng thế hệ ông và cha truyền dạy cho thế hệ sau cách “đi mong”. Cũng không ai lý giải được vì sao lại gọi là nghề “đi mong” nhưng người đi biển thường đùa nhau rằng tên gọi này xuất phát từ chính cái động tác khom cúi người làm mông nhô lên cao lúc trượt ván.

Người đạp “mong” phải tự cân bằng và điều chỉnh sao cho “mong” đi không bị lún bùn.

Dù chỉ là một tấm ván rộng gần ba tấc, dài hơn 1 m nhưng quá trình chế tác “mong” cũng không hề đơn giản: Không quá dày để bớt sức nặng, cũng không quá mỏng vì sẽ mau mòn hư. Ván dùng làm “mong” phải là cây me nước, dầu hoặc mù u vì có độ bền cao, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến hai, ba năm. Để cho tiện, người ta còn đóng cho “mong” quai cầm, chỗ để giỏ đựng, có người kỹ lưỡng còn lót thêm miếng cao su để lúc chân quỳ lên không bị ê buốt.

Đối với những bà con sống ven biển, sau những buổi trưa đồng vất vả, mong muốn lớn nhất của họ là có một ngày bội thu được nhiều cá. Tuy nhiên, Mong không còn là nghề còn mang lại nhiều thu nhập cho người dân nơi đây. Vì không phải lúc nào giỏ cũng bội thu cá. Con nước rút rồi đến con nước lên, một buổi như thế người dân có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng, có những hôm chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng là cùng. Ấy vậy mà cái nghiệp đi Mong đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây từ đời này sang đời khác.

Bãi bồi ven biển trải rộng tựa như đường đua bất tận, sáng sớm, khi thủy triều rút cạn, bãi bồi lộ dần, phụ nữ, trẻ em đạp Mong ra biển để bắt nghêu, cá kèo, cá bống. Ban đêm, thanh niên, đàn ông đạp Mong để soi cua, cá. Nếu có sức khỏe tốt, người đạp Mong có thể đạt tốc độ đến 15 cây số/giờ, tức là bằng với tốc độ trung bình của xe đạp.

Ngư dân đạp “mong” trở về sau một ngày mệt nhoài lặn hụp dưới bùn.

Có người kể rằng cứ mỗi tháng Hai con nước rằm và ba mươi, người đi Mong chỉ cần ra biển hơn 10 ngày cũng dư sống cho cả tháng. Nhưng đó là chuyện của ngày trước, khi dân còn thưa, các phương tiện đánh bắt còn ít và nguyên tắc “bắt con lớn chừa con nhỏ” còn duy trì.

Khi hoàng hôn buông xuống là lúc đoàn người lướt “mong” ngoài biển trở về, mang theo cá tôm cho bữa ăn ngày mai.

 

Đi Mong hay đạp Mong đã được xem là như một nết văn hoá biển của tỉnh Trà Vinh, vào lễ hội cúng biển mỗi năm, dân trong làng tổ chức hội thi “đua Mong” như là một phần nghi thức truyền thống không thể thiếu. Tuy nhiên, hội thi “đua Mong” giờ đây không còn nữa, có lẽ vì biển ngày trở nên nghèo nàn, cũng có lẽ chén cơm manh áo, vì chuyện sinh nhai… Và dù là lý do gì đi nữa thì một nét đẹp văn hóa được lưu giữ hàng trăm năm đang bị lãng quên.

Ở Ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang) có lẽ là nơi cuối cùng của tỉnh Trà Vinh còn nghề “đi mong”, phường “đi mong”, ở xứ này giờ chỉ còn ngót nghét chưa đến 20 ngư dân.

Thỉnh thoảng, họ lại đem “mong” ra biển để kiếm vài con cá cho bữa cơm, hay chỉ còn dùng “mong” như là một phương tiện như xuồng để di chuyển, cũng có khi đó chỉ là một thói quen khó bỏ, đạp “mong” cho đỡ nhớ nghề. Và như một phép biện chứng hiển nhiên, một khi Mong không còn, những người đi Mong cuối cùng cũng giải nghệ là lúc biển trở nên nghèo nàn, xơ xác hơn bao giờ hết.

Nên đọc
Theo Văn hóa miền Tây
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo