Văn hóa

Đi tìm lời giải cho cây cầu bị đồn “ma ám” ở Đà Nẵng

Suốt bao năm qua, người dân tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vẫn kể nhau nghe về một cây cầu bị cho là “ma ám”. Không ít những câu chuyện kỳ bí được chia sẻ, khiến cây cầu Đa Cô phải oằn mình gánh chịu bao lời đồn thổi.

Những lời đồn thổi gây hoang mang dư luận

Vẫn biết những câu chuyện đồn thổi trong miệng thế gian thì khó mà tin hết được, nhưng bao năm qua, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về cái chết của những cô gái trẻ ở cây cầu Đa Cô.

Nổi tiếng nhất phải kể đến câu chuyện tự tử của một cô sinh viên Hoàng Thị Nh, quê ở Hòa Vang (Đà Nẵng), học khoa Văn, trường cao đẳng sư phạm Đà Nẵng mà bây giờ là trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng. Vì quá yêu một anh sinh viên trường Đại Học Bách Khoa nhưng lại bị người kia ruồng bỏ. Do quá đau buồn và tuyệt vọng nên cô đã tìm đến cây cầu này để quyên sinh. Và điều đáng nói hơn là người đời đã đồn rằng, trước khi gieo mình xuống dòng nước thì người con gái bạc mệnh ấy đã để lại một bức thư tuyệt mệnh đầy oán trách cùng với lời nguyền cho cây cầu này…

Sự việc trên nếu như không có sự trùng hợp ngẫu nhiên là có nhiều người tự tử trên cây cầu này thì có lẽ đã đi vào lãng quên, nhưng sau ngày cô sinh viên khoa Văn mất đến nay, theo người dân nơi đây, đã có gần 20 người con gái tìm đến đây tự tử. Và kỳ lạ là hầu hết những nạn nhân tự tử và kể cả bị tai nạn giao thông trên cây cầu này đều là những cô gái đang tuổi “ô mai” và họ chết gần đúng vào ngày giỗ của cô nữ sinh đầu tiên ấy… Ngoài ra, đây còn là một địa điểm đen luôn ám ảnh người đi đường, nhất là những tài xế xe đường dài bởi những tai nạn giao thông rất thương tâm… Vì vậy mà dư luận tỏ ra hoang mang không biết đây có phải là những vụ tự tử và tai nạn bình thường hay là có “người âm” xui khiến…

“Mới học ở Đà Nẵng được vài năm nhưng em đã bị ám ảnh bởi những câu chuyện ma quỷ ở cây cầu Đa Cô gần trường. Lúc trước em vẫn đi qua cầu bình thường, nhiều tối còn cùng các bạn đi dạo mát trên cầu. Nhưng từ ngày nghe bạn kể về những câu chuyện ma ám ở cầu Đa Cô thì bọn em không ai dám qua cầu vào buổi tối nữa. Nhiều lúc đi dạy thêm về khuya, em phải nhờ một bạn trai đưa qua cầu…”, Võ Thị Tiếp, sinh viên trường ĐHSP Đà Nẵng chia sẻ.

Thậm chí có thời gian còn rộ lên những câu chuyện xe cộ qua cầu bỗng nhiên chết máy mà không rõ nguyên nhân, mặc dù họ khẳng định rằng đã kiểm tra, bảo dưỡng xe kỹ càng trước khi khởi hành. Sau đó, nhiều cánh tài xế đã mua đồ về cúng và khấn cầu “cô” mỗi khi qua cầu thì xe… không bị chết máy bất ngờ nữa?!

 Nhiều đồ cúng lễ trên cầu Đa Cô. 

Rồi lại có câu chuyện của những nạn nhân sống sót do tai nạn giao thông tại cây cầu này kể lại. Họ cho rằng tự nhiên mình đang đi bình thường qua cầu thì bỗng dưng không làm chủ được tay lái và tốc độ như có “ma quỷ” xô đẩy…

Một trong những hiện vật được cho là “linh thiêng” nhất tại cầu Đa Cô là hai cây Duối lớn mọc sát chân cầu. Những người công nhân kể lại, vào buổi trưa họ thường mắc võng ở hai cây này để nghỉ ngơi. Nhưng họ lại liên tục gặp phải những điều quái gở như hết chuyện tự nhiên dây võng bị bung ra, quật vào người hay bị cành cây tươi rơi trúng người đến việc liên tục bị ai đó lật võng, trêu tức… Nên từ đó đám công nhân không một ai dám mắc võng ngủ ở đây nữa.

Không phải chỉ có đám công nhân này mà còn nhiều người cũng một mực khẳng định rằng họ đã từng gặp… “cô”, mặc dù không biết là “cô nào”?! Họ kể rằng nhiều lúc đi qua cầu thì nhìn thấy một cô gái trẻ đang bồng con khóc dưới chân cầu hay chuyện những người xe ôm thấy một cô gái mặc đồ trắng, tóc xõa dài thường đứng trên cầu vẫy xe nhưng khi họ tiến lại gần thì cô gái đó cũng… mất hút?! Nhưng phần lớn những câu chuyện này đều được đồn đại và thổi phồng lên cho “hấp dẫn”, ai cũng kể như thật nhưng thực ra họ cũng chỉ nghe người khác kể lại chứ không xác định được ai là người tận mắt chứng kiến cả.

Cô Huỳnh Thị Anh, một người dân sống gần cầu cho biết: “Chuyện người âm thì không thể nói trước được điều gì, càng không thể khinh suất được đâu chú ơi! Tai nạn giao thông và người nhảy cầu tự tử tại cầu này là có thật và tôi cũng đã tận mắt chứng kiến nhiều rồi. Nhưng còn những chuyện gặp ma quỷ thì thật ra tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại từ việc được nghe một số người khác nữa kể lại thôi… Người dân sống gần cầu vì muốn được yên ổn nên đã lập nhiều am miếu thờ tự để mong sao các cô gái ấy sẽ sớm được siêu thoát…”

Một đồn mười, mười đồn trăm, chính vì thế mà những câu chuyện ma quỷ xuất hiện, lan đi với tốc độ nhanh đến chóng mặt, khiến không ít người non gan tin vào những câu chuyện hoang đường và họ có cảm giác luôn bị ám ảnh mỗi khi đi qua đây. Và rồi sự việc lên đến đỉnh điểm khi người dân đã tự ý lập hàng chục am miếu thờ ở hai bên cầu. Cũng từ đây, rất nhiều người không chỉ sống ở khu vực quận Liên Chiểu mà còn nhiều vùng khác, đặc biệt là cánh tài xế đường dài mỗi lần đi qua cầu đều dừng lại thắp hương khấn cầu và mua nhiều đồ lễ, vàng mã, hương đèn, có khi họ còn mời cả thầy cúng cao tay về để làm lễ giải oan cho các cô gái xấu số cũng như cầu nguyện cho những chuyến đi của họ được thượng lộ bình an.

 

Cụ Nguyễn Nghĩa đang kể về lịch sử của cầu Đa Cô.

Giải nỗi oan cho một cây cầu

Lời đồn thổi vẫn tồn tại qua nhiều năm, tuy nhiên, không phải ai cũng tin những câu chuyện ma mị kỳ bí ấy. Chú Trần Văn, một xế xe ôm thường hay đón khách ở khu vực này cho biết: “Từ trước giờ tôi thường xuyên chở khách qua cầu Đa Cô về khuya, còn sáng sớm lại đi thồ hàng cho người ta ở chợ Hòa Khánh Nam, hằng ngày tôi đều đi qua đây vào giờ “hoàng đạo” cả. Nhưng có bao giờ tôi gặp “vong” như người ta hay đồn đại đâu?!”.

Và để giải oan cho cây cầu Đa Cô, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Nghĩa (84 tuổi), trưởng ban hội đồng gia tộc làng Hòa Mỹ và cũng là người am hiểu về cây cầu Đa Cô này. Theo như lời kể của ông Nghĩa thì cây cầu này có từ năm 1825 và người đầu tiên chết ở cầu Đa Cô không phải là cô sinh viên khoa văn như mọi người vẫn lầm tưởng mà là Cô Ba, một tiểu thương bán lụa tơ tằm. Do xinh đẹp lại giỏi giang nên cô Ba được rất nhiều chàng trai để ý, tuy vậy cô vẫn chưa chịu làm vợ một ai. Rồi một hôm, người ta phát hiện xác cô Ba trôi dưới dòng kênh Đa Cô. Sau đó, người dân vớt xác cô Ba lên chôn ở chân cầu và lập một am miếu nhỏ để người đi đường động lòng nhang khói… Sau này, trùng hợp có nhiều cô gái tới cầu Cô Ba tự tử nên người ta đổi tên thành cầu Đa Cô.

Ông Nghĩa còn khẳng định: “Những chuyện ma quỷ trên cầu Đa Cô chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ và không hề có thư tuyệt mệnh gì của cô sinh viên khoa Văn như lời bịa đặt của những kẻ mê tín dị đoan... Cũng như cầu Tràng Tiền ở Huế, hay mới đây là cầu Hùng Vương ở Phú Yên thì cầu Đa Cô không hề có oan hồn hay vong linh gì bắt người cả. Đó chỉ là do tâm lý cực đoan của những người muốn tìm đến cái chết nên trong đầu họ lúc đó nghĩ ra và tự tìm đến cây cầu này mà thôi. Thời gian qua, hội đồng gia tộc làng Hòa Mỹ cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân không nên mê tín, đơm đặt, tự ý lập miếu thờ và thắp hương, cúng cầu quá nhiều tại cầu Đa Cô để giảm thiểu tai nạn, ách tắc giao thông và các tệ nạn xã hội cũng như những dư luận xấu cho cây cầu lịch sử này”.

Nên đọc
Theo Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo