Đỉnh Ngọc Linh và những câu chuyện kỳ bí
Dù không có cơ sở khoa học nhưng đồng bào Xê Đăng sống quanh ngọn núi Ngọc Linh, đỉnh núi cao 2.598 m, thuộc tỉnh Kon Tum vẫn tin rằng đỉnh núi có yểm một lời nguyền cổ đại cấm người lạ xâm phạm.
Đỉnh Ngọc Linh, nơi giáp ranh của 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Đăk Glei (Kon Tum) hàng nghìn năm qua vẫn chưa ai có thể chinh phục, đến nhà thám hiểm nước ngoài cũng "chào thua". Ngọn núi ẩn chứa nhiều điều huyền bí chưa có lời giải đáp.
Muốn đến núi Ngọc Linh, vào vùng sâm Ngọc Linh huyền thoại, nhất định phải vượt đèo Măng Rơi. Đèo Măng Rơi là địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Tô và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum.
Từ Măng Rơi đến chân dãy Ngọc Linh với độ dài khoảng 40 km nhưng cũng khiến những tay lái lụa dè chừng. Có đoạn gần như dựng đứng nên anh em tài xế nói trại đi thành đèo "văng rơi", độc đáo chẳng kém gì Cổng Trời Quản Bạ ở Hà Giang. Bởi vậy mà mới có câu nói vui nơi cửa miệng của phần đông những người lần đầu tiên đặt chân tới đèo Măng Rơi huyền thoại này, rằng: “Chưa đi chưa biết Măng Rơi, đi rồi mới biết 'văng rơi' xuống đèo”.
Vì con dốc thẳng đứng, ngoằn ngoèo nên chiếc xe 16 chỗ phải "bò" hơn 4 giờ đồng hồ mới đến được xã Măng Ri. Xe tuột dốc 2 lần là 2 lần khiến mọi người trên xe thót tim, phải nhảy xuống xe vác đá chèn bánh và cho xe "nghỉ ngơi".
Theo anh trưởng đoàn, qua nhiều đời truyền miệng, sở dĩ ngọn đèo có tên là Măng Rơi bởi vì nó quá cao, ngày xưa, bà con người dân tộc đi nương rẫy thường thấy con mang (hay còn gọi là con hoẵng) rơi xuống đèo mà chết.
Đèo Măng Rơi còn có tên gọi khác là Mang Rơi. Rồi cũng có truyền tuyết kể lại, bà con dân tộc thiểu số ở vùng này hay xuống thung lũng bẻ măng, lúc về thì phải leo lên đèo nên măng từ trong gùi bị trút ngược rơi trở lại. Chuyện này không biết có tin được không, nhưng xe của đoàn lần này tuột dốc là thật. Qua tìm hiểu, Măng Rơi còn được hiểu là đỉnh núi nằm trên khe nước, cũng có thể hiểu đấy là đỉnh núi có nhiều khe nước.
Đèo Măng Rơi, dài 6 km, như một vọng đài nhìn thấy được phần lớn đại thung lũng Tu Mơ Rông từ bốn hướng: Một vùng rừng núi ngút ngàn ở hai hướng tây, nam chầu vào đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m ở phía bắc. Những vòng đai núi cao như chỗ nương náu của mây trời: mây viền trên đỉnh núi, mây trải giữa sườn non. Nằm bên dưới đỉnh Măng Rơi, Đăk Hà là trung tâm hành chính của huyện.
tPhải mất hơn 4 giờ qua những đường dốc khúc khuỷu, một bên là vực sâu thẳm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng, mới vào được đến Măng Ri, một xã thuộc khu vực chân núi Ngọc Linh. Phía xa xa, núi non hùng vĩ trập trùng mây trắng xóa.
Sâm Ngọc Linh quý giá được người Xê Đăng gọi là sâm đắng hay củ giấu. Theo người dân bản địa, đỉnh Ngọc Linh chưa ai khám phá được, đến ngay cả những người dân nơi đây, dân tộc Xê Đăng cũng chưa một lần chinh phục được đỉnh núi được coi là huyền bí nhất Việt Nam này.
Một cán bộ xã cho hay, Núi Ngọc Linh vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp. Đến cả những người đi tìm sâm Ngọc Linh cũng chỉ có thể đi đến chân núi hoặc thung lung xung quanh chứ chưa một ai đặt chận lên được ngọn núi này.
La bàn đến chân núi là bỗng trở nên vô hiệu, kim chỉ hướng không nhúc nhích; thiết bị điện tử cứ “mon men” đến núi là “tịt ngóm”. Trên núi, bốn bề sương mù dày đặc, cây rừng rậm rạp um tùm chen lẫn lối đi, mặt trời lúc nào cũng nằm trên đỉnh đầu khiến người ta không thể nào xác định phương hướng, ai vào đây cũng đều bị lạc.
Theo truyền miệng, ông A Uôm, già làng Long Năng, là người duy nhất từng vượt qua khoảng một km khu vực thung lũng Ngọc Reo (nơi giáp ranh với chân núi Ngọc Linh); nhưng trong chuyến đi ấy, ông cũng bị lạc mất 5 ngày trong rừng mới tìm được đường về. Từ đó, già làng A Uôm không dám quay lại nơi này nữa. Dù không có cơ sở khoa học, nhưng đồng bào Xê Đăng sống quanh đây vẫn tin rằng đỉnh núi có yểm một lời nguyền cổ đại cấm người lạ xâm phạm.
Những câu chuyện ly kỳ ở thung lũng này đã không kìm nổi sự tò mò của bất cứ ai. Cuộc sống tự cấp tự túc nơi đỉnh núi cao nhất miền Nam này gần như tách biệt với dưới kia, nên người dân quý thực phẩm tại chỗ, tiền nhiều khi cũng chẳng có tác dụng gì.
Theo người dân địa phương, từ xưa hễ đói thì họ vào rừng săn bắt thú. Bệnh tật, họ vào rừng hái thuốc, đào củ giấu. Cũ giấu được cất kỹ trong nhà phòng khi đau cái lưng, cái bụng. Về sau này "củ giấu” đã không còn giữ được bí mật nữa. Nhiều người quả quyết đó chính là loài sâm đặc hữu chỉ có ở núi rừng Ngọc Linh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo