Doanh nghiệp 24h

Lao động cưỡng bức vẫn tồn tại trong quá trình tuyển dụng

DNVN - Chia sẻ về những hạn chế trong vấn đề kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự cho rằng, lao động cưỡng bức vẫn còn tồn tại ở Việt Nam dưới các hình thức khác nhau trong tuyển dụng lao động.

Người lao động san sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp / Sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

COVID-19 làm trầm trọng hóa vấn đề quyền người lao động

Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, trưởng nhóm nghiên cứu “Báo cáo Đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm" (thuộc Dự án Kinh doanh có trách nhiệm do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện), vấn đề kinh doanh có trách nhiệm trong cả 5 lĩnh vực đầu tư có trách nhiệm, quan hệ lao động và quyền lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều có nhiều bất cập nổi cộm.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, bàn riêng về quan hệ lao động và quyền lao động, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về cấm lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, hiện tượng lao động cưỡng bức vẫn còn tồn tại dưới các hình thức khác nhau trong tuyển dụng lao động.

Nghiên cứu từ “Báo cáo Đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm" chỉ rõ: Tình trạng thu giữ giấy tờ cá nhân của người lao động tại các doanh nghiệp là một hành vi bị coi là cưỡng bức lao động.

“24,28% người lao động được khảo sát cho biết là họ phải nộp các giấy tờ tùy thân cho doanh nghiệp khi đi làm. 22,72% người lao động khi được tuyển vào doanh nghiệp phải cam kết làm việc trong một thời gian nhất định, không được bỏ việc giữa chừng. 4,54% lao động nữ phải cam kết trong thời gian nhất định không được sinh con. Yêu cầu làm thêm giờ mà không có sự đồng ý của người lao động cũng bị coi là hành vi cưỡng bức lao động”, báo cáo nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã làm gia tăng các vấn đề về bất bình đẳng xã hội, làm trầm trọng hóa một số vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Doanh nghiệp cần có cơ chế giải quyết khiếu nại

Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng lao động cưỡng bức trong tuyển dụng lao động, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự nhấn mạnh về yêu cầu liên quan đến cơ chế thanh tra lao động và bảo hiểm xã hội.

Phải làm sao để hai lực lượng chủ chốt này phải bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về lao động và an sinh xã hội.

Lao động cưỡng bức vẫn tồn tại trong quá trình tuyển dụng.

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần ý thức và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm thực hành kinh doanh có trách nhiệm thông qua việc xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại nội bộ về các vấn đề lao động sao cho hiệu quả, phù hợp với mô hình quản trị kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với quy định của pháp luật.

“Cơ chế giải quyết khiếu nại cần được quy định lồng ghép trong các quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp, như điều lệ, nội quy lao động, quy chế quản trị, sổ tay nhân viên. Doanh nghiệp cần điều kiện và hỗ trợ để người lao động thành lập được tổ chức đại diện của mình tại cơ sở (công đoàn hoặc tổ chức đại diện của người lao động) và hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức này”, ông Quang nói.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần đưa tiêu chí hỗ trợ thành lập và vận hành tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vào trong các quy định của điều lệ, quy chế nội bộ của doanh nghiệp.

Thúc đẩy việc xây dựng và ký kết thoả ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, thường xuyên cập nhật và tiến hành đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp được niêm yết thuộc VN100 của Sở Giao dịch chứng khoán HOSE và các doanh nghiệp đại chúng khác, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (như các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, thuỷ sản…).

Các cơ quan quản lý nên khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người lao động trong quan hệ lao động.

Khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh nhằm thực hành kinh doanh có trách nhiệm, như xu hướng áp dụng Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR), “Môi trường, Xã Hội và Quản trị” (ESG) cũng như các bộ tiêu chuẩn khác.

Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp cần thúc đẩy các mô hình hợp tác, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp có dựa trên việc áp dụng các quy định nội bộ của nhau về bảo đảm quyền của người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích các cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát và kiểm toán xã hội giữa các doanh nghiệp về ý thức tuân thủ các quy định nội bộ, các tiêu chuẩn quốc tế về kinh doanh có trách nhiệm.

Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức bộ phận vệ sinh an toàn lao động tại doanh nghiệp để hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động tại cơ sở và cần lập hồ sơ vệ sinh lao động của người lao động để có giải pháp ngăn chặn, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

“Khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp có thành tích, ưu điểm đối với việc bảo đảm tốt quyền lợi của người lao động, bên cạnh các tín dụng ưu đãi cho tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo”, ông Quang khuyến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm