TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp "hiến kế" để phát triển bền vững
Liên Đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Thế giới tại Việt Nam có tân Chủ tịch / Hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm
Hội nghị là dịp để lãnh đạo TP lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và hiến kế từ phía doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đặt ra từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, thành phố đặt ra mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 của TP “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TP luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò và đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của TP. Để xây dựng TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, mua sắm, dịch vụ logistics, du lịch; trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; trung tâm dịch vụ cao về y tế, giáo dục…, sự đóng góp, hiến kế của doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng về chiến lược để phát triển thành phố nhanh, bền vững. TP mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành và hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, chia sẻ cùng các doanh nghiệp bên hành lang hội nghị
Đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp cho rằng, để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững, nhất là để phục hồi kinh tế sau đại dịch, TP cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy thị trường du lịch, khẩn trương chuyển đổi số đồng bộ và phát triển nền kinh tế số. Tiếp tục khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, logistics.
Cùng với đó, TP cần nhanh chóng phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đến giao thông đường biển, đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Cần có những giải pháp để phát triển thành trung tâm phân phối hàng hóa, thực phẩm tiêu dùng chất lượng cao trên cơ sở phát triển hệ thống bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Điểm nóng trong các ý kiến cũng tập trung phát triển hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có những chiến lược đột phá kêu gọi nguồn lực cho việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics. Đại diện Công ty KIZUNA (công ty tiên phong đầu tư và phát triển mô hình Khu công nghiệp (KCN) đồng bộ tại Long An) đã làm cầu nối cho hơn 1.000 DN FDI biết đến Long An đưa ra các ý kiến giải pháp cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng công nghiệp.
Các doanh nghiệp bày tỏ sẵn sàng sẻ chia, đồng hành, quyết tâm cùng chính quyền giúp TP phát triển
Cùng với sự sẵn sàng của nhiều doanh nghiệp, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn về việc phát triển hạ tầng ở TP, đặc biệt là hạ tầng cảng biển. Ông Park Hyun Bae, Tổng giám đốc Công ty KCTC Việt Nam cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là TP tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng các cảng hàng hóa, trong đó tập trung cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) và cảng Hiệp Phước (quận 7), hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics tăng sản lượng phục vụ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đưa ứng dụng công nghệ, hệ thống trao đổi thông tin điện tử, liên kết thông tin các cảng biển để điều hành các luồng xe, hàng hóa, giảm tải tình trạng hàng hóa bị ùn ứ trong nhiều thời điểm.
Ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng vào Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Tân, đây là điều TP cần bắt tay thực hiện từ lâu nhưng do nhiều lý do nên chưa thể hoàn thành.
Liên quan đến Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, khi trung tâm này thành hình, thành phố sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico cho rằng, cách làm mới của TP là huy động đóng góp sáng kiến của doanh nghiệp đã khích lệ tinh thần các doanh nghiệp, với tinh thần mới mẻ.
Bà Thảo đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy con đường phát triển của TP Hồ Chí Minh trong tương lai như đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics. Từ đó, đưa TP thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về kỹ thuật, công nghệ bao gồm hàng không và công nghệ thông tin.
Ngoài ra, bà Thảo cũng kiến nghị TP cần đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán lên mức 100 - 200% GDP quốc gia so với hiện nay, phát triển vận tải hàng không, kinh tế số, kinh tế tư nhân, start-up, phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện phát triển cho các ngành nghề kinh tế khác... Trong đó, tập trung xây dựng TP Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch quốc tế, có nhiều đổi mới trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP nhấn mạnh, bổn phận của chính quyền thành phố là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được đầu tư vào TP Hồ Chí Minh thật sự là cơ hội, hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Những góp ý của các doanh nghiệp nổi lên 3 vấn đề trọng tâm, trước hết là về về thể chế, hệ thống chính sách và quy định; xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế-xã hội; phải có nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới, phải có đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, hành động quyết liệt.
Để thực hiện mục tiêu phát triển, TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị với các cơ quan Trung ương 11 nội dung gồm những nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, có tính chất chiến lược lâu dài, gồm về xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án đường Vành đai 3; điều chỉnh tăng mức trần vốn đầu tư công trung hạn; Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức; các nội dung liên quan Nghị quyết số 54/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội…
End of content
Không có tin nào tiếp theo