CEO Tanabata Phạm Thị Yến Nhi: Sống với say mê, để không bao giờ phải hối tiếc
Elon Musk nhắn gửi người trẻ muốn chạm tới thành công / Shark Lê Đăng Khoa và áp lực "con nhà giàu khởi nghiệp"
Cách đây khoảng 1 năm, qua Chương trình “CEO - Chìa khóa thành công”, Phạm Thị Yến Nhi là gương mặt tạo được nhiều ấn tượng đẹp. Cũng dễ hiểu, vì khi đó, nữ doanh nhân khá thành công này mới 27 tuổi. Nhưng, có lẽ ấn tượng hơn là mục tiêu đầy tham vọng của cô: Đến năm 2020, chuỗi bar mang phong cách Nhật Bản của Tanabata sẽ cán mốc 100 cửa hàng, mặc dù thời điểm đó mới có 17 cửa hàng.
Mới đây, khi gặp lại, CEO của Tanabata cho biết, chuỗi bar do cô sáng lập vẫn phát triển tốt, dù đã có những thay đổi mang tính chiến lược.Cụ thể, cuối năm 2017, Tanabata đã tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 3 cửa hàng mới tại Việt Nam và 1 cửa hàng tại Malaysia. Đầu năm nay, các cửa hàng này đều hoạt động tốt. Riêng cửa hàng tại Malaysia phải đóng cửa sau 6 tháng hoạt động, bởi phần lớn người Malaysia theo đạo Islam, nên hoạt động của quán bar không phù hợp với văn hóa của họ.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Yế Nhi - CEO của chuỗi bar phong cách Nhật Tanabata |
Tuy vậy, cũng trong thời gian này, đã xuất hiện yếu tố nội tại mà theo cách nói của Yến Nhi là một “biến cố” về sự trung thực và lòng tin. Đó cũng là lý do mà nữ CEO quyết định chỉ giữ lại 10 cửa hàng, số còn lại chuyển nhượng cho đối tác khác.
“Tanabata cũng quyết định thay đổi chiến lược từ phát triển mạnh về số lượng sang đầu tư chiều sâu cho 10 cửa hàng hiện có. Các cửa hàng này sẽ được đầu tư theo chuẩn 5 sao của ngành nghề này bằng việc tập trung thay đổi thiết kế, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ ”, Yến Nhi chia sẻ.
Trong câu chuyện, CEO của Tanabata bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Chung Ju Yung - cố Chủ tịch của Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) - và cho biết, cô đã học được rất nhiều điều khi đọc cuốn sách "Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách" của vị doanh nhân này. Cô cũng rất tâm đắc về những câu chuyện liên quan đến tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập Virgin Group. Trong đó, có câu chuyện khi được hỏi, với một doanh nhân khi mới khởi nghiệp thì có thể mơ ước, đặt mục tiêu làm thành công 399 doanh nghiệp, vị doanh nhân nổi tiếng đã nói rằng, nếu cam kết và nỗ lực làm thành công doanh nghiệp đầu tiên, thì bạn có thể thành công với 398 doanh nghiệp tiếp theo…
Tiếp mạch câu chuyện, khi được hỏi, Tanabata có dừng lại ở con số 10 cửa hàng không, gần như ngay lập tức, câu trả lời của nữ doanh nhân 9X là không.“Trước mắt, Tanabata tập trung đầu tư chiều sâu, nâng chất lượng của chuỗi hiện có. Cam kết phát triển chuỗi bar mang phong cách Nhật Bản không thay đổi. Những sự thay đổi, nếu có, chỉ là sự linh hoạt trong điều chỉnh các mục tiêu, cách làm cụ thể trong từng giai đoạn”, Yến Nhi nói.
Trên cuộc đời có nhiều ngã rẽ bất ngờ không ai tính toán trước được. Cánh cửa này đóng lại để mở ra một cánh cửa mới, nhiều khi tốt hơn. Trong kinh doanh cũng vậy.“Điều quan trọng là phải linh hoạt. Tùy cơ ứng biến để vượt qua khó khăn và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nên sống với tất cả niềm say mê để không bao giờ phải hối tiếc”, Yến Nhi tâm niệm như vậy. Đó cũng là cách mà nữ doanh nhân 9X vượt qua một trong những “biến cố” lớn nhất từ khi khởi nghiệp với Tanabata.
Trong câu chuyện, với vẻ hài hước, Yến Nhi cho biết, cô đang trong giai đoạn “ngủ đông”. Những gì mà cô đang làm với Tanabata, dường như chuyện này có thể là đúng. Nhưng với con đường kinh doanh mà Yến Nhi đã chọn thì những cánh cửa khác đang được mở ra.Cách đây 2 tháng, trong vai trò là nhà sáng lập, Yến Nhi đã cùng một đối tác quyết định mở công ty mới chuyên hoạt động trong lĩnh vực… bất động sản. Theo đó, công ty được định vị hoạt động trong 5 mảng chính, gồm: thi công; thiết kế nội thất; tư vấn dự án; đầu tư đất nền; đầu tư nhà phố.
Không giấu sự bất ngờ và băn khoăn, tôi hỏi thẳng Yến Nhi một số vấn đề như, việc mở công ty mới phải chăng do tác động về việc thị trường bất động sản đang “nóng”, những người sáng lập đã có kinh nghiệm gì chưa, dự liệu gì về những thách thức và rủi ro của lĩnh vực kinh doanh khá nhạy cảm này…
Điều quan trọng là phải linh hoạt. Tùy cơ ứng biến để vượt qua khó khăn và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Nên sống với tất cả niềm say mê để không bao giờ phải hối tiếc
Nữ doanh nhân 9X cười và bảo, làm là vì cái duyên thôi. Trước đây, khi mở Tanabata cũng vì điều này. Tuy nhiên, có một vấn đề là, người làm kinh doanh nào muốn thành công cũng cần có tố chất phiêu lưu. Doanh nhân mà không phiêu lưu, thì không là doanh nhân đúng nghĩa, mà chỉ là một nhà quản trị đơn thuần.
“Thực tế, em đã tham gia lĩnh vực này hơn 4 năm rồi, chỉ có điều là chưa lập pháp nhân để làm thôi. Đối tác của em đã có gần 20 năm làm về thiết kế, thi công và cũng đã “có sao, có gạch” ở lĩnh vực này. Hai bên thấy có duyên với nhau nên quyết định hợp tác”, Yến Nhi chia sẻ và cho biết, dù mới khởi động, song công ty đã tham gia hàng chục dự án tại TP.HCM và vùng lân cận, kết quả kinh doanh cũng khá ổn.
Trở lại câu chuyện của Tanabata, thời mới khởi nghiệp, Yến Nhi mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt được người nước ngoài biết đến, để họ chính là đối tượng xác định giá trị của doanh nghiệp. Cô tâm sự, cô đã tới rất nhiều quốc gia, ở hầu khắp các châu lục. Đi đến đâu, cô cũng tự hào là người Việt Nam. Ở chiều ngược lại, cô cũng muốn tự mình xây dựng được thương hiệu Việt, như cách mà một số doanh nhân “tiền bối” đã làm.
“Thời gian đầu, mục tiêu mà Tanabata mong muốn là xây dựng thương hiệu được xác định giá trị 1 triệu USD. Đến khi chuỗi có 21 cửa hàng, giá trị được định giá gấp 5 lần và có khá nhiều đối tác đã đề nghị hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng”, Yến Nhi cho biết.
CEO của Tanabata cũng chia sẻ về câu chuyện của doanh nhân Lý Quí Trung - người sáng lập thương hiệu Phở 24 và đồng tình với cách nhìn nhận về chuyện tìm đối tác để phát triển chuỗi của vị doanh nhân này. Theo đó, trước khi quyết định tìm kiếm đối tác đầu tư thì phải tự hỏi mình là có thật sự cần thiết hay không? Chọn nhà đầu tư, nhất là từ các quỹ đầu tư hay nhà đầu tư nước ngoài tức là chọn cách phát triển nóng, tăng tốc. Ngoài ra, việc chọn nhà đầu tư là phải biết rõ những gì mà họ có thể mang lại, ngoài tiền vốn. Nói cách khác, phải thực sự hiểu về nhà đầu tư mà mình nhắm đến, từ năng lực tài chính đến chuyên môn, quan hệ và đặc biệt là những kỳ vọng, sự ưu tiên của họ.
Mới đây, khi trao đổi với giới truyền thông Việt Nam, ông Ishige Hiroyuki - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - cho biết, trong nhiều năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản luôn xếp hạng cao về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, Nhật Bản xếp thứ hai, còn năm 2017 xếp thứ nhất. Với những thuận lợi khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, người đứng đầu JETRO nhận định, dòng vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Không chỉ tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang đầu tư mạnh vào các nước Đông Nam Á; Nhật Bản hiện là quốc gia có vốn đầu tư đứng thứ 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào khu vực này.Ở góc nhìn của một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đặc thù, phù hợp với văn hóa Nhật Bản, khi có tới 99% lượng khách hàng là người Nhật đang sống và làm việc tại Việt Nam, CEO của Tanabata cho rằng, những thông tin trên vừa là tin vui, nhưng cũng là thách thức
“Họ rất kỹ tính, cẩn thận khi sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Người Nhật chỉ lựa chọn những địa điểm phù hợp, uy tín, an toàn”, cô nói. Theo Yến Nhi, lượng khách hàng tăng không có nghĩa là cần quá nhiều địa điểm, mà quan trọng là chất lượng ở đó ra sao và địa điểm ấy có đủ sức thuyết phục họ quay lại hay không.Theo chia sẻ của Yến Nhi, khu vực quận 1 của TP.HCM tập trung rất nhiều người Nhật đang sinh sống và cũng có rất nhiều cửa hàng khác phục vụ, mà phần lớn là của những người đã từng làm việc tại Tanabata rồi ra mở cửa hàng riêng. Tuy nhiên, vẫn rất đông khách hàng Nhật đến với Tanabata.
Cách mà nữ doanh nhân 9X thuyết phục các khách hàng khó tính quay lại với Tanabata còn nằm ở vấn đề nhân sự. Yến Nhi nhận ra rằng, không thể “chạy đua” về tiền lương để giữ nhân sự hay cố giữ những nhân sự khi mà lòng trung thành đã bị lung lay…“Bài học đã rất cũ, nhưng vẫn phải học lại và làm lại. Đó là, tất cả phải bắt đầu từ con người. Con người mới là yếu tố làm nên thương hiệu của doanh nghiệp”, CEO của Tanabata trải lòng.
Theo Yến Nhi, doanh nghiệp không giữ chân những người giỏi nhất, mà cần giữ những người phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp.“Để hài hòa các yếu tố này, ngoài việc tăng lương cơ bản cho nhân viên khoảng 20% so với cách đây 1 năm, công ty cũng có những cơ chế, tạo điều kiện để họ tăng thu nhập “mềm” và quan trọng nhất là trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng mà các cơ sở kinh doanh khác, dù cùng ngành nghề, cũng khó có thể cho họ”, Yến Nhi cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo