Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đà Nẵng: Năm 2024 có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập mới

DNVN - Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại TP, gồm 3 doanh nghiệp của Mỹ và 1 doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hè 2025, Cebu Pacific sẽ nâng tần suất đường bay Manila – Đà Nẵng lên 2 chuyến/ngày / Đà Nẵng: Chưa giải quyết cho hộ nghèo thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư

Dự thảo đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn (VMBD) và trí tuệ nhân tạo TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế VMBD, dịch vụ thiết kế; phấn đấu thu hút ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử; phấn đấu có ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực VMBD được ươm tạo thành công và tăng tốc phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số đóng góp tối thiểu 35% - 40% GRDP của TP.

Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sắp được TP Đà Nẵng đưa vào vận hành.

Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sắp được TP Đà Nẵng đưa vào vận hành.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Đà Nẵng, thực tế hiện nay TP đã có 13 doanh nghiệp thiết kế VMBD. Từ đầu năm 2024 đến nay có 4 doanh nghiệp thiết kế VMBD đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại TP; gồm Công ty Mixel Việt Nam (Mỹ); Chi nhánh Công Ty TNHH Công Nghệ Marvell Việt Nam tại Đà Nẵng (Mỹ); Công ty TNHH Sibridges Việt Nam (Mỹ) và Công ty Ideas2Silion Việt Nam (Hàn Quốc).

Cùng với đó có 3 doanh nghiệp thực hiện mở rộng quy mô đầu tư và nhân sự tại Đà Nẵng, gồm Synopsys, Quest Global, FPT Semiconductor. Ngoài ra còn có một số dự án sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết bị phục vụ công nghiệp bán dẫn đang thực hiện thủ tục đầu tư trên địa bàn TP nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện nay Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đang hỗ trợ thu hút trực tiếp 3 dự án thiết kế chip bán dẫn, 2 dự án về sản xuất trang thiết bị bán dẫn và 1 dự án về vật liệu bán dẫn. Đồng thời các hoạt động xúc tiến, hợp tác quốc tế về phát triển lĩnh vực VMBD được triển khai, đẩy mạnh.

Báo cáo giám sát của HĐND TP Đà Nẵng cũng cho biết, thời gian qua TP đã tập trung hoàn thiện đầu tư dự án khu công viên phần mềm số 2 (CVPM số 2) giai đoạn 1; tham mưu Chính phủ quyết định thành lập khu CNTT tập trung - CVPM số 2 mở rộng; hiện đang hoàn thiện đề án để đưa dự án vào khai thác vận hành.

Chính quyền TP cũng đang xúc tiến đầu tư các dự án đầu tư về lĩnh vực CNTT, gồm dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân, dự án khu CNTT Đà Nẵng Bay, tòa nhà Viettel Đà Nẵng. Trung tâm DSAC tập trung tham mưu về đầu tư, phát triển lĩnh vực VMBD và trí tuệ nhân tạo của TP; tập trung kết nối phát triển nhân lực và đào tạo lĩnh vực VMBD, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, trong thời gian tới, TP tiếp tục chủ động kết nối, tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng tại Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…; phối hợp với các đối tác tổ chức các sự kiện, diễn đàn xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực VMBD vào Đà Nẵng.

Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp VMBD (hoàn thiện khu CVPM số 2 giai đoạn 1, nghiên cứu đầu tư mở rộng giai đoạn 2 dự án khu CVPM số 2; đầu tư các phòng lab...). Hỗ trợ liên doanh tập đoàn Sovico và tập đoàn Synopsys, tập đoàn Viettel và Synopsys triển khai dự án thiết lập Trung tâm tính toán hiệu năng cao phục vụ thiết kế VMBD tại TP.

Chính quyền TP cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư đã có mặt tại địa phương (Synopsys, Marvell, UAC, Sioux…) mở rộng đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược triển khai nghiên cứu đầu tư vào TP (Qorvo, Qualcomm, Ampere…).

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm