Doanh nghiệp Việt gặp khó khi phát triển bền vững
TP Hồ Chí Minh: Cân đối chi phí đất đai cho doanh nghiệp theo bảng giá đất mới / Vinamilk lan toả thông điệp phát triển bền vững qua từng vỏ hộp sữa
Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn. Biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành hiện thực với những đợt hạn hán, ngập mặn. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, phát triển thương hiệu bền vững không chỉ là một xu thế, mà còn là lối đi tất yếu để các doanh nghiệp duy trì vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đang nắm bắt cơ hội này để chuyển đổi thành công?
97% doanh nghiệp vẫn loay hoay với khái niệm "bền vững"
Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn. Biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành hiện thực với những đợt hạn hán, ngập mặn kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long,. Những dòng sông như Mekong đang dần khô cạn và người nông dân cảm nhận được sự khó khăn này rõ hơn bao giờ hết. Cùng lúc đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao. Nhưng liệu sự phát triển ấy có đi kèm với trách nhiệm đối với môi trường và xã hội?
Tại Diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong chiến lược thương hiệu. Phát triển bền vững được hiểu không chỉ ở khía cạnh môi trường, mà còn bao gồm trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Bà cho rằng nếu được triển khai đúng cách, bền vững sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng, thay vì chỉ là gánh nặng chi phí.
Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, vẫn đang loay hoay tìm lối đi trong việc cân bằng giữa chi phí và trách nhiệm bền vững. Một khảo sát gần đây của Vietnam Brand Purpose cho thấy hơn 30% doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để áp dụng công nghệ sạch. Đây là một thách thức lớn khi mà những cải cách về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thời gian qua, một số thương hiệu lớn của Việt Nam đã góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Đơn cử, một doanh nghiệp chuyên sản xuất sữa ở Việt Nam đã chứng minh rằng mô hình kinh tế tuần hoàn - từ sản xuất đến tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo - không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo giá trị kinh tế bền vững. Dự án Green Farm của họ không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội và môi trường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng đầu tư vào những dự án lớn như vậy.
Ông Alan Jope, cựu CEO của Unilever, đưa ra một góc nhìn thú vị. Theo ông, bền vững không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường, mà còn nằm ở cách thương hiệu thay đổi hành vi tiêu dùng. Những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo chính là chìa khóa để tạo ra sự chuyển đổi thực sự. Một ví dụ đáng chú ý là việc Unilever giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm nước, giảm nhựa và giảm phát thải khí carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, ông Jope cũng cảnh báo rằng bền vững không nên chỉ là một khẩu hiệu tiếp thị. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự minh bạch mà còn mong muốn hành động thực tế từ phía doanh nghiệp.
"Thương hiệu có sức mạnh mềm để thay đổi hành vi tiêu dùng. Nhưng nếu các doanh nghiệp không hành động kịp thời, họ sẽ mất đi cơ hội xây dựng lòng tin từ khách hàng và cả thị trường", ông Alan Jope chia sẻ.
Đáng chú ý, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần sự chung tay của tất cả doanh nghiệp - từ tập đoàn lớn đến các công ty khởi nghiệp. Việc chậm nắm bắt xu thế bền vững có thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị tụt hậu trong cuộc chơi toàn cầu hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo