Đưa hương thảo dược nơi đại ngàn bay xa
Quảng Nam: Sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi / Vinamilk trao hơn 1 triệu ly sữa cho 11.000 trẻ em khó khăn
Ước mơ đưa hương thảo dược nơi đại ngàn bay xa đang được chị Xuân cùng bà con dân bản hiện thực hóa từng ngày khi Hợp tác xã đã nghiên cứu và phát triển thành công gần 20 sản phẩm từ tía tô được khách hàng đón nhận, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm, diện tích vùng nguyên liệu ngày càng mở rộng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nâng tầm tía tô bản địa
Sinh năm 1990, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, năm 2014, cô gái trẻ người Kinh nơi quê lúa Thái Bình Trần Anh Xuân quyết định lên Lào Cai an cư và chọn mảnh đất Tả Phìn là nơi khởi nghiệp. Từ niềm đam mê với các hệ thực vật, ngoài công việc hằng ngày, chị Xuân dành phần lớn thời gian lặn lội đi rừng, tìm hiểu thảo dược.
Tả Phìn vốn được biết đến là cái nôi của thảo dược miền núi phía Bắc với những bài thuốc quý mang đậm tri thức bản địa của các tộc người địa phương, đặc biệt là người Dao. Sở hữu đa dạng các loại thảo mộc quý hiếm nơi núi rừng bạt ngàn, người Dao ở Tả Phìn đã tận dụng những món quà thiên nhiên quý giá này cho việc chăm sóc sức khỏe. Giữa nơi đại ngàn mênh mông, tình cờ, chị Xuân phát hiện tại Tả Phìn có giống tía tô đỏ bản địa rất quý, có màu sắc đậm hơn tía tô thông thường, hàm lượng tinh dầu vượt trội cao gấp 3-5 lần so với sản phẩm được trồng ở vùng thấp đồng thời hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn.
"Có được lợi thế này là do ở độ cao từ 1.450m - 1.500m so với mực nước biển nên Tả Phìn đặc biệt phù hợp cho cây tía tô phát triển và cho sản lượng tinh dầu phù hợp với chất lượng cao nhất", chị Xuân chia sẻ.
Chị Trần Anh Xuân bắt đầu trồng tía tô từ năm 2018 với diện tích 3.000m2 ở lưng chừng ngọn núi Sân Bay, thôn Sả Séng. Khi ấy, gia đình, người thân không ai ủng hộ, ai cũng bảo là nhà nào cũng trồng được tía tô sẽ không ai mua, chẳng có ai làm giàu được từ tía tô cả. Tuy nhiên, chị vẫn quyết tâm làm.
Chị Xuân cùng 6 phụ nữ bản địa thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, nghiên cứu đến sản xuất các sản phẩm từ tía tô đỏ. Những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã phải thuê lại đất các hộ dân để trồng tía tô và trả công trên chính mảnh đất của họ đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm. Chỉ sau 3 năm, chị Xuân đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 3 ha với 15 sản phẩm chính từ tía tô như trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm... Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây tía tô bản địa, các hộ dân dần yên tâm và tự trồng vùng nguyên liệu để cung cấp cho Hợp tác xã.
Trong thời gian này, dịch COVID-19 khiến nhu cầu về tía tô tăng đột biến. "Trà, cao, tinh dầu tía tô chúng tôi làm ra tới đâu bán hết tới đó, cháy hàng. Đây chính là bàn đạp để tôi và Hợp tác xã nâng diện tích trồng tía tô từ 3.000m2 lên tới 3ha năm 2021, 10ha năm 2022 và 30ha trong năm 2023 này", chị Xuân cho hay.
Hiện tại, với 30 ha, Hợp tác xã đang khai thác 3 loại tía tô chủ lực thuần bản địa Sa Pa là tía tô trên tím dưới tím, tía tô trên xanh dưới tím và tía tô trắng. Mỗi loại tía tô sẽ có một dòng sản phẩm chuyên biệt được cung ứng ra thị trường.
Quy trình sản xuất tỉ mỉ, cẩn thận, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGap an toàn và chất lượng tốt. Các sản phẩm của Hợp tác xã được khách hàng ở các tỉnh, thành trên cả nước đón nhận, thị trường tiêu thụ ổn định. Tỷ lệ khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm lên đến trên 80%. Doanh thu của Hợp tác xã trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả năm 2022.
Đưa hương thảo dược nơi đại ngàn bay xa
Những ngày thu đầu tháng 9, đến Tả Phìn không chỉ bắt gặp những thửa ruộng bậc thang vàng óng mà trên những sườn núi cao là bạt ngàn tía tô của Hợp tác xã Sapa Secrets đang vào vụ thu hái. Dưới bàn tay thoăn thoắt của các cô, các chị người Dao đỏ, từng gùi tía tô vơi rồi lại đầy được chuyển ra xe đến nơi tập kết. Hương tía tô vấn vít, thoang thoảng trong sương sớm núi rừng đại ngàn khiến bầu không khí vốn đã thanh sạch càng thêm dễ chịu, khoan khoái.
Dù tuổi đã caonhưng khi vào vụ thu hoạch, ngày nào, bà Phàn Tả Mẩy (thôn Sả Séng) cũng lên núi để hái tía tô cho Hợp tác xã. Theo bà Mẩy, công việc này không vất vả lại được trả công cao với 250 ngàn đồng/ngày. "Gia đình có thêm thu nhập, tiền thuốc men ốm đau, chi phí sinh hoạt không phải lo như trước nữa", bà Mẩy cho biết.
Với mô hình sản xuất khép kín, chị Trần Anh Xuân từng bước tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, ai cũng được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình. Từ 6 thành viên ban đầu, hiện tại, Hợp tác xã có hơn 100 thành viên. Với việc phát triển thành công gần 20 sản phẩm từ tía tô, Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập từ 7-9 triệu/tháng; tạo việc làm công nhật cho 60 chị em với 250.000 đồng/ngày. Hợp tác xã đang liên kết sản xuất với 30 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn trồng tía tô để thoát nghèo bằng cách cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăm sóc thu hái đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Năm nay là năm đầu tiên gia đình chị Lý Mán Mẩy (thôn Sả Séng) liên kết sản xuất với Sa Pa Secrets. Trong vòng 1 tuần, qua 5 lần thu hái, gia đình chị thu được khoảng 1 tấn lá mang về 15 triệu đồng. "Trồng tía tô thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần trồng ngô, lại dễ chăm sóc", chị Lý Mán Mẩy chia sẻ.
Chị Xuân xác định mục tiêu bền vững xuyên suốt của Hợp tác xã Sa Pa Secrets là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ phục vụ sản xuất; áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến dược liệu; tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các sản phẩm từ tinh dầu và thảo mộc thiên nhiên như ngâm chân, thảo dược tắm… tạo sinh kế cho người dân Tả Phìn, đặc biệt là phụ nữ, giúp hàng trăm phụ nữ tự tin, tự chủ hơn trong gia đình.Tuy vậy, một số sản phẩm của Hợp tác xã như tinh dầu, trà... không đủ đáp ứng đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu hạn chế. Điều đáng nói, thị trường xuất khẩu của các sản phẩm tía tô rất tiềm năng đặc biệt là tía tô trắng do có chứa nhiều thành phần thiết yếu cho cơ thể như: Omega 3, 6,9, vitamin A, C, chất xơ, chất chống oxy hoá cùng các loại khoáng chất như kali, sắt....
"Các đối tác đến từ Nhật Bản muốn đặt chúng tôi số lượng tinh dầu lớn. Để thực hiện được các đơn hàng này, trong thời gian tới, chúng tôi phải mở rộng diện tích lên đến hàng nghìn ha mới cung cấp đủ cho thị trường Nhật Bản". Để giải quyết bài toán về quỹ đất và vùng nguyên liệu, đưa tía tô bản địa xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, chị Trần Anh Xuân mong muốn, trong thời gian tới, các cấp chính quyền ủng hộ Hợp tác xã; các hộ dân đồng tình chung tay cùng Sa Pa Secrets phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu.
Chọn mảnh đất Sa Pa để lập nghiệp, được sống và lao động cùng bà con vùng cao nhiều niềm vui nhưng cũng vất vả không kém. Chị cho biết, sau nhiều bỡ ngỡ từ phong tục tập quán, tiếng nói, khí hậu... khi mới đến Tả Phìn lập nghiệp, giờ chị đã được coi là người địa phương, được dân bản yêu quý gọi chị với cái tên "Xuân Tía Tô".
Chị Xuân tâm niệm: Đến từ đâu không quan trọng. Xuất phát điểm cao hay thấp không quan trọng. Đi nhanh hay chậm không quan trọng. Trước hay sau không quan trọng. Quan trọng là mang lại giá trị cốt lõi cho những người xung quanh.
“Sa Pa Secrets” là bí mật của thiên nhiên Sa Pa, cũng là ước mơ của chị Xuân cùng các thành viên Hợp tác xã về tương lai sẽ mở được thêm nhiều cánh cửa kho báu thảo dược mà đại ngàn Tả Phìn cất giữ, biến chúng thành những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh riêng có của Sa Pa, để hương thảo dược nơi đại ngàn bay xa, giúp người dân bản địa được hưởng lợi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo