Hà Tĩnh: Các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm giữa đại dịch
Tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài ở Hà Tĩnh / Hà Tĩnh: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư điện gió
Sản xuất an toàn giữa đại dịch
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh đóng tại Cụm Công nghiệp Đức Thọ chính thức đi vào hoạt động sản xuất đầu năm 2020. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì cỡ lớn cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, phân bón trong nước và xuất khẩu. Mặc dù có số lao động khá lớn với gần 400 người, ở nhiều địa phương nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nên 2 năm qua công ty chưa phải dừng sản xuất ngày nào.
Hoạt động sản xuất tạiCông ty CP Bao bì Sông La Xanh
Ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động sản xuất của công ty đã có nhiều thuận lợi hơn. Doanh nghiệp đã giảm các chi phí, thời gian vận chuyển hàng hoá, vật tư đi ngoại tỉnh. Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, mà vẫn tiếp tục quán triệt đến tất cả công nhân thực hiện 5K. Đối với lái xe chở vật tư từ ngoại tỉnh khi đến nhập, xuất hàng đều phải ngồi trên cabin.
Những tháng cuối năm, cán bộ, công nhân Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (tại Cụm CN Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) đang chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng theo hợp đồng. Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực may găng tay, quần áo thể thao xuất khẩu. Hiện công ty đang đảm bảo việc làm cho gần 2.100 lao động với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo “mục tiêu kép”, công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 100% lao động và tuân thủ nghiêm 5K trong quá trình sản xuất cũng như khi ra khỏi nhà máy.
Người lao động tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh hoàn toàn yên tâm với công việc của mình
Tại Khu Kinh tế Vũng Áng – nơi tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn và nhiều nhà thầu đang triển khai các dự án với hàng chục nghìn lao động cũng đã, đang thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt” để sản xuất.
Ông Hồ Sỹ Quốc - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho biết, mặc dù 100% lao động của FHS đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng công ty không chủ quan, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch, vùng dịch của tỉnh để có các giải pháp ứng phó linh hoạt.
“Nhờ chủ động tuân thủ, thực hiện hiệu quả các quy định phòng dịch, hoạt động sản xuất thép của FHS tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng thời gian qua FHS vẫn đảm bảo việc làm ổn định cho gần 7.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng” – ông Quốc cho hay.
Tiếp sức cho doanh nghiệp giai đoạn nước rút để hoàn thành kế hoạch năm 2021
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Các chuỗi cung ứng vật tư, giao nhận hàng hoá, nhân lực lao động… bị “đứt gãy”. Trước những khó khăn đó, Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp, trong đó có Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết, địa phương đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để thực hiện test nhanh và tiêm vắc xin cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị: Chi cục thuế, phòng Lao động – TBXH, Bảo hiểm... tuyên truyền, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp làm hồ sơ, thủ tục “hấp thụ” hết các chính sách của nhà nước về miễn giảm thuế, lãi suất, hỗ trợ lao động thất nghiệp…
Nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ như gia hạn, giảm, hạ lãi suất ngân hàng, thuế…đang được các đơn vị ngân hàng, thuế tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng chính sách nhanh, đầy đủ nhất.
Ông Nguyễn Xuân Thường, Trưởng phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Tĩnh) cho biết, toàn tỉnh có hơn 14.760 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động sẽ được hưởng các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế theo các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ với số tiền khoảng 288,9 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 10.007 tỷ đồng cho 1.025 doanh nghiệp, số tiền lãi được hạ 45,12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5%/năm).
“Những gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ là liều “thuốc” rất hữu ích, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch vừa tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”, ông Nguyễn Hữu Phúc – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hà Tĩnh cho hay.
Cùng với việc khẩn trương thực hiên các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như gia hạn, giảm, hạ lãi suất ngân hàng, thuế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và xã hội triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Đến ngày 31/10/2021, số doanh nghiệp có tình trạng đang hoạt động trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia là 8.741 doanh nghiệp. Riêng 10 tháng đầu năm 2021 có 855 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ; có 270 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 35,7% so với cùng kỳ. Số lượng lao động trong các KKT, CCN là 25.923 người , không có số lao động nghỉ việc do dịch.
Có thể thấy chính sự chủ động, thích ứng an toàn và linh hoạt trong mọi tình huống, có lộ trình rõ ràng đã giúp cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tôn vinh TOP 10 thương hiệu Sao Vàng đất Việt 2024: Vươn tầm Việt Nam
Apple tiến sát cột mốc 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường
Doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới
Thị trường Halal: Cửa đã rộng mở, làm sao khai thác tiềm năng nghìn tỷ đô?
FPT được vinh danh Top 10 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt