Khai thác sức mạnh văn hoá kinh doanh để phát triển bền vững
Đà Nẵng: Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm khởi sắc / Ra mắt câu lạc bộ nữ doanh nhân tỉnh Lâm Đồng
Đòi hỏi tất yếu
Thông tin được các đại biểu và diễn giả nhấn mạnh tại diễn đàn đa phương 2023 (MSF 2023) với chủ đề “Khai thác sức mạnh văn hoá kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ thay đổi” chiều ngày 19/10 tại Hà Nội.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 10/10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu và giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hoá kinh doanh (VHKD) mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển của đất nước.
“Rõ ràng xây dựng VHKD là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Thực tế đã chứng minh, nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản… đã rất thành công trong phát huy VHKD, trở thành sức mạnh mềm, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia và sự phát triển bền vững cạnh tranh của DN.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc hình thành và phát triển VHKD nói chung, văn hoá DN nói riêng như một khía cạnh không thể thiếu của sự phát triển, qua đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của DN ngày càng được quan tâm”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện các cơ quan, đối tác tại Việt Nam và quốc tế đang dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến việc khai thác sức mạnh VHKD của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ thay đổi.
Đây là vấn đề thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh cũng như cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp (DN), bảo đảm việc làm, ngày càng nâng cao thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao việc định hình VHKD. (Ảnh: LĐO).
Từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
VHKD cạnh tranh và bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều chỉnh những hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh ở những điểm còn có những khoảng trống về pháp luật.
VHKD cũng giúp người dân hình thành nên văn hoá tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm trong mối quan hệ kinh tế với DN cũng như với Nhà nước.
Yếu tố công bằng, bình đẳng chưa được đề cao
Tại diễn đàn, đại diện nhóm nghiên cứu về hiện trạng VHKD Việt Nam của Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra đánh giá về nhận thức của các chủ thể đối với VHKD.
Nghiên cứu cho thấy, niềm tin và giá trị cốt lõi của Việt Nam biểu hiện tổng thể hài hoà, các giá trị ở mức khá, không có giá trị vượt trội. Những khía cạnh được đề cao bao gồm coi trọng hiệu quả, nhân đạo, định hướng tương lai, thích ổn định - ngại rủi ro.
Trong khi đó, khía cạnh bình đẳng - công bằng chưa được đề cao. Đối với DN, quy mô càng lớn thì vấn đề bình đẳng, công bằng càng được đánh giá cao hơn. Lãnh đạo DN và người lao động có nhận thức khá tốt và tương đồng về VHKD định hướng bền vững.
Người lao động càng trẻ tuổi thì nhận thức về bền vững càng cao. Lao động gen Z có nhận thức về VHKD theo hướng bền vững cao nhất, và đồng đều nhất so với lao động thế hệ trước.
Định hình văn hoá kinh doanh mang bản sắc
Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thúc đẩy sự bình đẳng, công bằng, đặc biệt là công bằng trong tiếp cận cơ hội.
Thúc đẩy nâng cao nhận thức và hành động trong xã hội về phát triển bền vững, coi đây như một tiềm năng lớn còn nhiều dư địa để phát triển của Việt Nam.
Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá doanh nhân vì đây là nhóm tiên phong trong xây dựng VHKD hướng tới bền vững.
Thúc đẩy môi trường thể chế thuận lợi cho phát triển theo định hướng bền vững và cải thiện văn hoá ứng xử của các cấp chính quyền, nhất là cấp quận, huyện, xã với DN, doanh nhân.
Với DN, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần có định hướng mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra các giá trị bền vững thực chất, giải quyết tốt hơn vấn đề bình đẳng cho người lao động. DN cũng cần có cách tiếp cận thích ứng theo vùng miền trong xây dựng văn hoá DN hướng tới các giá trị bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, sự hội nhập kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả DN, người lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng VHKD hướng tới phát triển bền vững cần phải quan trọng và quan tâm đặc biệt.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, mỗi quốc gia, mỗi DN cần xây dựng, định hình một VHKD mang bản sắc của mình, lấy đó làm nền tảng phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh.
Với DN, xây dựng VHKD phải bắt đầu từ đạo đức doanh nhân. Việc khai thác tốt sức mạnh VHKD sẽ góp một phần không nhỏ vào việc hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, DN cần tập trung xây dựng môi trường làm việc bảo vệ và tôn trọng quyền lợi của người lao động.
Trong các giá trị cốt lõi của DN, cần coi nhân tài là số 1, dẫn đầu sự thay đổi cũng như kinh doanh liêm chính… Đây là những yếu tố DN luôn phải theo đuổi, áp dụng vào các chỉ số văn hoá của mình để tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, từ đó đóng góp cho sự phát triển của DN và kinh tế đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo