Kỳ thị doanh nhân là gốc rễ khiến đất nước nghèo đi
Từ bị kỳ thị đến việc đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo
Tại "Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức, sáng 10/10 tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã đề cập đến hình ảnh giới doanh nhân trước đây bị kỳ thị.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu, câu chuyện về doanh nhân Việt Nam lâu nay đã được bàn rất nhiều. Đã có nhiều ý kiến và đặt câu hỏi: Tại sao từng có giai đoạn chúng ta nhìn nhận doanh nghiệp làm kinh doanh là con buôn?
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: Ngày trước, hình ảnh doanh nhân khá xấu, không đẹp trong tiềm thức của người Việt Nam, doanh nhân bị coi là tiểu nhân, không được coi trọng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, không có họ chúng ta sẽ không thể duy trì cuộc sống bình thường.
Kỳ thị doanh nhân là vấn đề lớn trong hành xử. Theo đó, truyền thông và dư luận xã hội không chỉ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp mà còn phải biết cảm thông chia sẻ khi doanh nhân đổ vỡ. Kỳ thị người giàu là gốc rễ làm cho đất nước nghèo đi.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật như chúng ta, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là "con buôn".
Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, thời gian trở lại đây nhìn nhận của truyền thông và dư luận xã hội với doanh nhân đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.
"Đáng mừng là hiện nay, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến giới truyền thông và trong dư luận xã hội, quan điểm với giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tốt dần lên. Mới đây Tổng Bí thư cũng đã có những lời động viên tới giới doanh nhân. Về mặt chủ trương chính sách của Đảng cũng có nhiều hỗ trợ", ông Nguyễn Trần Nam nói.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù là giới doanh nhân phấn đấu đóng góp thế nào, bận rộn thế nào thì cách nhìn nhận của xã hội của truyền thông với doanh nhân cũng rất quan trọng.
"Và phải khẳng đinh, giới truyền thông gần đây đã nhìn nhận doanh nghiệp, doanh nhân với thái độ bao dung, nhân ái, toàn diện, khách quan hơn, tích cực hơn. Để có được điều đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực cố gắng mạnh mẽ của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng", ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997- 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó. Chưa bao giờ trong trí tưởng tượng của giới văn nghệ sĩ chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ có ngày có những nhân vật doanh nhân có khối tài sản lớn như hiện nay, vươn lên tầm thế giới. Thực tế đã chúng minh rằng chúng ta đã có. Đó là sự lớn mạnh của doanh nhân Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển.
Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997- 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó. Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện cả nước đã có hơn 700.000 doanh nghiệp, cùng với 5 triệu hộ kinh doanh - về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Cần có chính sách cởi mở hơn cho doanh nhân, DN phát triển
Cho rằng các chính sách của Nhà nước chưa tạo ra không gian tự do cho doanh nhân kinh doanh, vẫn tạo nên một khuôn khổ cứng nhắc, nhà văn Tạ Duy Anh đề xuất cần đưa ra những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
"Một người nông dân đói kém cả cộng đồng thương hại, nhưng khi một doanh nhân, doanh nghiệp – nuôi cả vạn lao động, bị sụp đổ, kéo theo cả vạn người thất nghiệp – thì tại sao ta lại cười, mỉa mai sự sụp đổ ấy của họ? Chúng ta cần có tầm nhìn rộng rãi hơn về những người làm doanh nghiệp, kinh doanh. Doanh nhân sai phạm chúng ta sẽ xử lý nghiêm khắc nhưng phải có định hướng, tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp chân chính phát triển", nhà văn Tạ Duy Anh đề xuất.
Khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân nhưng chưa đủ không gian phát triển, PGS. TSKH Võ Đại Lược trăn trở: "Lãi suất cho vay của chúng ta 10%, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta có sống được không, trong khi ở nước ngoài như Nhật mức này chỉ 2 - 3%".
Qua đó, ông Võ Đại Lược kiến nghị với ông Nguyễn Trần Nam, ông Vũ Tiến Lộc nên có đề án nghiên cứu đánh giá một cách sâu sắc khu vực tư nhân Việt Nam – doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và có kiến nghị cụ thể với Đảng và Nhà nước. Không thể tách doanh nghiệp tư nhân ra khỏi khu vực kinh tế, phải xem đó là động lực, chủ lực của nền kinh tế của chúng ta.
Vai trò của doanh nhân đến giờ đã khá rõ, đỉnh cao là Nghị quyết 10 phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của đất nước cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân, do doanh nhân tạo ra; dù trong thực tế vẫn có sự phân biệt đối xử.
Với đội ngũ doanh nhân hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần đổi mới và sáng tạo, luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Phát triển bền vững và chuyển đổi số, chuyển đổi số là nền tảng cho đổi mới và sáng tạo. Đây là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển.
Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định, làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân. Sự đóng góp ở đây không hẳn là đóng bao nhiêu thuế, làm từ thiện bao nhiêu mà là khi bắt đầu làm gì mình luôn nghĩ rằng làm điều đó thì xã hội được gì, đất nước được gì.
Để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. 30 năm vừa qua chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp.
Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc là sự kiện khởi động của Dự án truyền thông mang tên "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc". Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam quyết định thực hiện dự án này nhân dịp tròn 15 năm từ khi Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945-13/10/2020).
Dự án nhận được sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế, chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam; sự bảo trợ thông tin của nhiều cơ quan báo chí – truyền hình; với chuỗi các chương trình, sự kiện diễn ra từ ngày 10/10/2019 – 15/10/2020.
Nguyệt Minh
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo