Doanh nghiệp - Doanh nhân

Một nhà quản lý quỹ theo phong cách truyền thống làm gì khi thị trường lao dốc?

Curtis Macnguyen, một con người thích thử thách, ham mê trò chơi đánh cược liên quan đến rủi ro nhưng ông lại là một nhà quản lý quỹ theo kiểu chắc chắn và mang phong cách cổ điển. Vì vậy mà Ivory Investment Management từng mang về tỷ suất sinh lời gấp đôi S&P 500.

Giải mã ngôn ngữ của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son trong suốt 12 năm qua / Warren Buffett đang nắm 50 tỷ USD cổ phiếu Apple

Tháng 4/2015, Bloomberg đã thực hiện một bài viết về chân dung của Curtis Macnguyen – người sáng lập và điều hành của Ivory Investment Management – một quỹ đầu tư quản lý 3,6 tỷ USD tài sản khi đó, trước khi quỹ này bị mua lại bởi Affiliated Managers Group. Câu chuyện này được đặt tựa đề là "Chân dung một nhà quản lý quỹ theo phong cách truyền thống".

Macnguyen sinh ra tại vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa vào năm 1968, trước khi gia đình ông chuyển đến Philippine, rồi một trại quân sự ở Arkansas, cuối cùng đặt chân đến Hyde Park - New York. Ngay từ nhỏ, người đàn ông có dáng vẻ nghiêm túc này lại rất thích những trò đặt cược.

Macnguyen sở hữu một sân tennis tại sân sau nhà ở khu Brentwood, ngoại thành Los Angeles, nơi diễn ra các trận đấu giữa ông và các đấu thủ chuyên nghiệp bản xứ. Tuy nhiên ông chưa bao giờ chơi mà không có chút tiền cược, dù nhỏ nhất. Những khoản tiền cược, theo Macnguyen, có thể tăng sức chiến đấu của ông trong cuộc chơi.

Dù vậy, trái với tính cách của một con người thích thử thách, ham mê trò chơi đánh cược liên quan đến rủi ro, Macnguyen theo một góc độ khác lại là một nhà quản lý quỹ theo phong cách truyền thống – chắc chắn và không mạo hiểm.

Quỹ đầu tư Ivory Investment Management do ông sáng lập và đứng đầu, nhờ cách thức đầu tư này mà từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp đôi chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, không cần một bảng quy tắc dài hàng trang giấy, nguyên tắc đầu tư của Macnguyen chỉ gói gọn trong 3 điều cơ bản.

1. Lợi nhuận không phải là tất cả

 

Macnguyen khởi đầu công việc đầu tư tại Ngân hàng Morgan Stanley ở New York rồi sau đó chuyển sang tại Gleacher & Co do Eric Gleacher sáng lập.

Nhờ việc Julian Robertson thuê Eric Gleacher bán cổ phần của ông trong Tiger Management, công ty do chính ông sáng lập mà Macnguyen biết đến hoạt động của các quỹ đầu tư. Khi đó, ông và những đồng nghiệp đã kêu gọi Eric Gleacher tạo một quỹ đầu tư như thế trong ngân hàng nhưng không được đồng ý. Đến tháng 11/1998, Macnguyen quyết định thành lập quỹ đầu tư Ivory Investment Management với quy mô ban đầu 3.5 triệu USD. Và đến cuối năm 2014, quỹ đầu tư này đã mang lại lợi nhuận 346% tương đương 9.7%/năm, gấp đôi lợi nhuận 139% của chỉ số S&P 500.

Trong khi các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất là lợi nhuận thì Mac Nguyen lại tập trung vào sự cân bằng hiệu quả giữa rủi ro và lợi nhuận. Điều này được so sánh thông qua chỉ số hiệu quả quản lý (ER), trong đó lấy lợi nhuận thường niên chia cho tỷ lệ rủi ro hàng năm. Nếu ER càng cao thì chứng tỏ hoạt động của công ty càng hiệu quả. Ivory Optimal có ER là 1,65 vào tháng 12/2014, cao hơn mức 1,31 của quỹ Pershing Square International thuộc tỷ phú Bill Ackman.

Với chiến lược cân bằng lệnh mua bán trên thị trường, chỉ có bình quân 1/5 số tiền của nhà đầu tư trong quỹ đầu tư này có khả năng bị lỗ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 100% có khả năng lỗ theo lý thuyết trong chỉ số S&P 500.

Theo Mac Nguyen, nhà đầu tư thường không hay để ý đến những quỹ tài chính cân bằng lợi nhuận-rủi ro khi thị trường đi lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường sẽ không tăng trưởng mạnh như trước đây và khi đó những quỹ này sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn.

 

Nhờ nguyên tắc này mà khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, quỹ đầu tư của Macnguyen có lãi không nhiều hoặc thua lỗ cũng rất ít. Nhưng khi thị trường tăng điểm thì giá trị danh mục đầu tư thường tăng mạnh hơn.

Bài học rút ra là lợi nhuận là thứ quan trọng để đánh giá một quyết định đầu tư có hiệu quả hay không, nhưng lợi nhuận nhiều hay ít lại là một câu chuyện khác. Đầu tư không phải một trận đánh chớp nhoáng, đó là một cuộc chiến dài hơi mà trên chiến trường đó, thắng một trận không có nghĩa bạn là người làm chủ tất cả. Khi thị trường lên, những người lãi lớn có thể khiến bạn ghen tị, nhưng khi đà giảm xuất hiện có thể bạn sẽ cảm thấy may mắn khi không mất nhiều tiền như họ. "Bạn không thể biết ai đang bơi mà không mặc quần cho đến khi thủy triều xuống", một trong những câu nói để đời của nhà đầu tư huyền thoại Warran Buffet.

2. Không theo số đông

Một trong những quan điểm đầu tư của Macnguyen là nhà đầu tư dễ mắc sai lầm khi mua cổ phiếu mà hầu hết thuộc sở hữu của các tổ chức đầu tư tài chính.

Theo nhà quản lý quỹ này, những cổ phiếu loại đó thường đắt đỏ và có nhiều người mua, nhưng cũng sẽ dễ bị các quỹ đầu tư từ bỏ một cách bất ngờ. Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các quỹ đầu tư đã đổ tiền vào cổ phiếu ngành năng lượng và hàng hóa chính. Nhưng khi khủng hoảng năm 2008 diễn ra, những tổ chức tài chính này buộc phải bán tài sản nhằm hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư đang hoảng sợ bởi tình hình thị trường, giá cổ phiếu những ngành trên đã giảm mạnh hơn mức giảm chung.

 

Tất nhiên, việc chọn một cổ phiếu sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, đó có thể là những chỉ báo trong phân tích kỹ thuật hay những yếu tố nội tại của doanh nghiệp, thay vì chỉ nhìn vào việc ai đang nắm giữ cổ phiếu đó. Tuy nhiên, nguyên tắc của Macnguyen là cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, và yếu tố đó là một trong những rủi ro mà ông quan tâm.

3. Mua những cổ phiếu đã giảm mạnh từ mức đỉnh

Với Macnguyen, ông và nhóm phân tích cùng làm việc có một nguyên tắc trong việc chọn lựa cổ phiếu là luôn tìm những cái tên đang bị thị trường định giá thấp và cho rằng, sẽ có ngày thị trường định giá đúng trở lại với cổ phiếu đó.

Macnguyen thường tìm kiếm các loại cổ phiếu đang trượt giá khoảng dưới 50% của hai năm kể từ mức đỉnh nhưng không thấp hơn 20% so với những đáy gần thời điểm hiện tại nhất. Sau khi tìm được một cổ phiếu phù hợp, Macnguyen và nhóm phân tích của ông nghiên cứu sâu vào công ty đó, tìm hiểu, đến thăm và rà soát thu nhập của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.

Công ty Boston Scientific là một ví dụ. Cổ phiếu của công ty này nằm trong danh sách đầu tư của Macnguyen năm 2012 sau khi giảm giá từ 14 USD xuống 6 USD vào năm 2008. Khi cổ phiếu này giảm giá, Ivory Investment Management đã phân tích và nhận ra doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2006, nguyên nhân là Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấm doanh nghiệp bán những sản phẩm mới của mình trừ khi giải quyết xong những rắc rối trong sản xuất. FDA dỡ bỏ lệnh cấm này năm 2010 nhưng công ty vẫn thua lỗ. Vào năm 2012, Ivory bắt đầu mua cổ phiếu của Boston. Đến năm 2013, doanh thu của công ty này dần được ổn định lại và cổ phiếu tăng giá từ 6 USD lên 12 USD. Đóng cửa phiên 9/4/2014, giá cổ phiếu đã ở mức 18,10 USD.

 

Một trường hợp nữa vào năm 2012, Macnguyen đã mua cổ phiếu của công ty sản xuất chip nhớ, Micron Technology với giá 6 USD. Và đến 09/04/2012, kết thúc phiên giao dịch, giá cố phiếu này đạt 27,82 USD và Ivory sở hữu 2 triệu cổ phiếu.

Bài học ở đây là không phải cố phiếu nào giảm mạnh cũng có vấn đề. Có thể do yếu tố thị trường, sự lo ngại thái quá của nhà đầu tư vào việc chững lại của hoạt động kinh doanh. Khi bạn tìm ra được những doanh nghiệp bị định giá thấp, đó cũng giống như việc tìm ra một món hàng tốt trong một khu chợ thanh lý tài sản với giá rẻ mạt, cơ hội sẽ đến khi mọi người nhận ra giá trị thực của nó. Bởi vậy là trên thị trường mới có câu nói "không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu làm mất tiền hoặc mang lại tiền".

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo