Phấn đấu có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm quốc tế
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thích nghi với tình hình áp thuế mới / Doanh nhân Lê Thị Diễm: Người lan tỏa giá trị qua hành động thiết thực
Làm việc với gần 70 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu biểu sáng 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là cuộc làm việc thứ hai với DNNN trong thời gian ngắn, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, dễ chịu tác động từ bên ngoài.
Trước các thách thức như dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai... Việt Nam đã vượt qua nhờ tinh thần đoàn kết và vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, nhận diện vấn đề mới và đề xuất giải pháp phù hợp.
Với chủ đề "DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng", người đứng đầu Chính phủ khẳng định, khó khăn hiện nay chưa bằng những giai đoạn cam go trước đây. Vì vậy, mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng dẫn ví dụ ACV phải đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành, VEC tăng tốc cao tốc Bến Lức – Long Thành. Đồng thời, DNNN cần phối hợp tốt hơn với khu vực tư nhân, cùng góp sức tạo đột phá phát triển.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, tổng tài sản của 671 DNNN đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng (tăng 45%), vốn chủ sở hữu gần 3 triệu tỷ (tăng 61%), doanh thu gần 3,3 triệu tỷ (tăng 24%), lợi nhuận trước thuế 227,5 nghìn tỷ (tăng 8%) và nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng (tăng 9%).
Một số DNNN như VNPT, MobiFone, Viettel đã thể hiện vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, phát triển sản phẩm số. Nhóm ngân hàng “Big 4” cũng đẩy mạnh ngân hàng số với nhiều giải pháp bảo mật hiện đại.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực; năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa làm chủ công nghệ lõi.

Để phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, Bộ Tài chính đề xuất tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 57-NQ/TW; thúc đẩy các ngành công nghệ cao, AI, năng lượng tái tạo, logistics; cơ cấu lại ngành nghề, nâng cao năng suất, hình thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao.
Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp công nghệ nội địa hóa Cloud, AI, BigData…. Tạo điều kiện tiếp cận Quỹ đầu tư công nghệ, xây dựng cơ chế lương thưởng linh hoạt, tăng hợp tác giữa DNNN và doanh nghiệp công nghệ.
DNNN cần ưu tiên vốn cho chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới (5G, AI), hạ tầng mạng lưới, công nghiệp công nghệ cao và các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ, phấn đấu đến 2045 có tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm quốc tế. Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật quản lý vốn nhà nước; Bộ KH&CN bố trí ít nhất 15% chi sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu công nghệ chiến lược.
End of content
Không có tin nào tiếp theo