Doanh nghiệp - Doanh nhân

Sau Eximbank, đến lượt Ocean Group tổ chức đại hội cổ đông bất thành

DNVN - Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương tổ chức bất thành ĐHĐCĐ 2021 lần 1 khi chưa đạt tỷ lệ cổ phiếu biểu quyết yêu cầu là 65%. Tính tới lúc 9h25 ngày 29/4, Ocean Group tuyên bố ĐHĐCĐ 2021 sẽ không được tiến hành khi chỉ có 12 cổ đông đại diện cho 52.52% cổ phần Công ty đến dự.

Bamboo Airways tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng / Đại hội cổ đông bất thành, Chủ tịch Eximbank “trách ngược” cổ đông?

Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương tổ chức bất thành ĐHĐCĐ 2021 lần 1 khi chưa đạt tỷ lệ cổ phiếu biểu quyết yêu cầu là 65%. Tính tới lúc 9h25 ngày 29/4, Ocean Group tuyên bố ĐHĐCĐ 2021 sẽ không được tiến hành khi chỉ có 12 cổ đông đại diện cho 52.52% cổ phần Công ty đến dự. Theo điều lệ của Công ty, cuộc họp đại hội đồng cổ đông chỉ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.

Theo đó, Ocean Group sẽ phải tổ chức ĐHĐCĐ 2021 lần 2 trong vòng 30 ngày và lần này chỉ cần 51% cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngay trước thềm cuộc họp thường niên 2021, nhóm cổ đông đại diện hơn 51% cổ phần tại OGC – nhiều khả năng là phía IDS Equity Holdings – đã có bước đi mạnh bạo nhằm ngăn cản các chủ trương mà ban lãnh đạo OGC đề ra.

Nhóm cổ đông này yêu cầu: “HĐQT và Ban Tổng Giám đốc không được tiến hành chuyển nhượng (kể cả cầm cố, thế chấp hay ủy quyền) cổ phần OCH”, đồng thời không thông qua các chủ trương liên quan tới việc bán tài sản của Ocean Group và các công ty con. Đáng chú ý, nhóm cổ đông này cũng đặt yêu cầu “tăng số lượng thành viên HĐQT để nâng cao cơ hội phản biện khi ra quyết định”.

Nhóm cổ đông lớn đề nghị các vấn đề trong ĐHCĐ 2021

Nhóm cổ đông lớn đề nghị các vấn đề trong ĐHCĐ 2021.

Đáp lại, HĐQT OGC đã ra quyết nghị bổ sung nội dung trên dưới hình thức sửa đổi Điều lệ Công ty, đồng thời bổ sung vào chương trình họp Đại hội.

Ocean Group thay đổi nội dung điều lệ trong cuộc họp HĐQT

Ocean Group thay đổi nội dung điều lệ trong cuộc họp HĐQT.

Bước đi đáng chú ý này được đưa ra ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 (dự kiến diễn ra vào ngày 29/4) và trong bối cảnh Ocean Group đối mặt với hàng loạt thông tin tiêu cực.

 

Gần đây nhất là Ocean Group bị công ty kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục và CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu tạm dừng mọi giao dịch đối với thửa đất số L45-1, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Những thông tin đáng chú ý của Ocean Group trong thời gian gần đây

Ocean Group thành lập từ năm 2007 và đầu tư nắm cổ phần chi phối tại CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) từ cuối năm 2009.

Đến tháng 4/2010, Công ty niêm yết cổ phiếu lên HOSE với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường khi đó xấp xỉ 10.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng niêm yết, giá cổ phiếu OGC chứng kiến chuỗi lao dốc kéo dài và đến nay, vốn hóa chỉ còn vỏn vẹn 1,977 tỷ đồng (tính tại ngày 28/4). Đi kèm với chuỗi lao dốc trên thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh cũng đi xuống và biến động mạnh, đỉnh điểm là năm 2014 lỗ hơn 2.2 ngàn tỷ đồng.

Hiện tại, Tập đoàn Đại Dương hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản và khách sạn, dịch vụ, đang điều hành những khách sạn như Sunrise Nha trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport TP.HCM, Starcity Tây Hồ Hà Nội và các khách sạn khác. Bên cạnh đó, Công ty này còn sở hữu thương hiệu bánh Givral và kem Tràng Tiền.

 

Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động của OGC đều đến từ OCH và tính tới cuối năm 2020, OGC đang sở hữu gần 60% cổ phần tại OCH.

Xuất hiện thông tin thâu tóm từ IDS Equity Holdings

Cuối tháng 11/2020, nhóm nhà đầu tư IDS Equity Holdings đã tuyên bố sở hữu 51% cổ phần tại OGC và 22.3% cổ phần tại OCH. Lý do được đưa ra là “vì mất niềm tin vào một số thành viên lãnh đạo hiện tại”, theo chia sẻ của ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc Phát triển Khách sạn của IDS Equity Holdings, trong cuộc phỏng vấn với DealStreetAsia.

Phía IDS Equity Holdings phản đối kịch liệt quyết định bán 20 triệu cổ phiếu tại OCH, cho rằng “OCH chính là máy thở duy nhất giúp OGC duy trì tồn tại”. Với phương án này, Ocean Group sẽ làm mất quyền chi phối tại công ty con đang đóng vai trò quan trọng nhất trong cả tập đoàn và sẽ không được sáp nhập kết quả kinh doanh của OCH vào báo cáo hợp nhất. Báo cáo tài chính năm 2020 cũng thể hiện cho tầm quan trọng của OCH khi 98% doanh thu năm 2020 của OGC đến từ Công ty khách sạn và nghỉ dưỡng này.

Về phía Ocean Group, họ cho biết động cơ đằng sau quyết định này là để giảm bớt nghĩa vụ nợ, đồng thời cho biết vẫn chưa xác nhận về lượng cổ phần mà nhóm IDS Equity Holdings nắm giữ tại OGC. Tuy nhiên, hiện phương án bán 20 triệu cổ phiếu OCH này đã bị tạm ngưng giao dịch sau quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vào ngày 28/01.

 

Cuộc họp cổ đông thường niên 2021 được kỳ vọng là cơ hội đối mặt đầu tiên giữa nhóm cổ đông IDS Equity Holdings và ban lãnh đạo Ocean Group để gỡ rối “mớ bòng bong” gần đây.

Sự kiện này cũng có thể đánh dấu một cột mốc quan trọng vì nếu yêu cầu của nhóm cổ đông lớn được thông qua, ban lãnh đạo cũng như HĐQT có thể xảy ra nhiều xáo trộn và tác động tới quyết định của Công ty. Tương lai của Ocean Group vì thế mà phụ thuộc vào cuộc họp lần này.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm