Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú Nhật: Brexit có thể khiến Anh trở lại thành 'kẻ ốm yếu của châu Âu'

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, như Nissan, Toyota và Honda, đã và đang có kế hoạch rời khỏi hoặc chuyển một phần sản xuất khỏi Anh trước tương lai bất ổn do Brexit.

Tỷ phú Tadashi Yanai - Ảnh: Getty Images.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CNN, Tadashi Yanai, người giàu nhất Nhật Bản, cảnh báo rằng việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU (còn gọi là Brexit) có thể đẩy kinh tế Anh rơi vào tình trạng trì trệ như những năm 1970 - khi nước này thường bị gọi là "kẻ ốm yếu của châu Âu".

Tadashi Yanai, người sáng lập, CEO của hãng bán lẻ Fast Retailing, cho rằng trong nhiều năm, nước Anh đã được hưởng lợi từ một nền kinh tế mở. Nhưng Brexit sẽ làm thay đổi điều đó và khiến những người tài năng rời khỏi nước này để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Theo tỷ phú Nhật, việc rời khỏi EU cũng sẽ gây ra nhiều thách thức bởi Anh cần phải duy trì biên giới mở giữa Ireland (một thành viên của EU) và Bắc Ireland (một phần của Vương quốc Anh), cũng như làn sóng kêu gọi độc lập tại Scotland - nơi phản đối Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016.

"Nếu Brexit xảy ra, Anh có thể trở lại tình trạng trước kỷ nguyên Margaret Thatcher (cựu thủ tướng Anh), khi đó, Anh bị gọi là 'kẻ ốm yếu của châu Âu'. Tôi lo rằng điều này sẽ lặp lại", tỷ phú Yanai nhận định.

Cựu thủ tướng Anh Thatcher thắng cử lần đầu tiên vào năm 1979, khi đó, kinh tế Anh đang trải qua nhiều năm tăng trưởng chậm, lạm phát cao và thất nghiệp triền miên. Vào những năm 1980, dưới sự khuyến khích của bà Thatcher, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu xem Anh là cánh cổng mở vào châu Âu và đầu tư mạnh vào các nhà máy lắp ráp ôtô, ngành ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác tại nước này.

Fast Retailing, đế chế thời trang sở hữu thương hiệu Uniqlo, mở cửa hàng đầu tiên bên ngoài Nhật Bản 18 năm trước và đặt tại London (Anh). Từ đó, công ty này đã mở rộng ra hầu hết các thị trường trên khắp toàn cầu. Năm 2018, Fast Retailing đạt doanh thu 2.300 tỷ Yên (19,2 tỷ USD) và tài sản của ông Yanai là khoảng 30 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg.

Cảnh báo của ông Yanaivề Brexit được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật khác cũng quan ngại về mối quan hệ của Anh với EU trong tương lai và sự chuẩn bị của nước này khi thời hạn Brexit 31/10 ngày càng tới gần. Nếu Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận về thương mại, thuế quan và các rào cản khác sẽ được áp lên hàng hóa sản xuất tại Anh sang thị trường EU, bao gồm ôtô do các công ty Nhật chế tạo.

Ba hãng ôtô Nhật gồm Nissan, Toyota và Honda hiện chiếm khoảng 50% ôtô chế tạo tại Anh và hầu hết ôtô thành phẩm được bán tại châu Âu. Các công ty này đã bắt đầu rút khỏi Anh do doanh số giảm và những bất ổn về mối quan hệ tương lai của nước này với EU - đối tác thương mại gần nhất và lớn nhất.

Honda tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy Swindon của mình tại Anh vào năm 2022, trong khi đó Nissan hủy bỏ kế hoạch sản xuất xe X-Trail tại thành phố Sunderland, Anh. Nissan cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất ôtô xa xỉ ra khỏi nước này.

Đầu tháng này, Toyota cho biết dự kiến sẽ dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy tại Derbyshire (Anh) vào ngày 1/11 với dự báo rằng sự gián đoạn tại các cảng biển của Anh có thể ảnh hưởng tới nguồn cung linh kiện phục vụ hoạt động của nhà máy.

Với Uniqlo, ông Yanai cho biết công ty của ông sẽ mất duy trì hiện diện tại Anh trong dài hạn, bất chấp những thách thức về kinh tế và chính trị trước mắt. Ông cũng chia sẻ về tham vọng biến Fast Retailing trở thành một công ty đi đầu thế giới trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

"Các vấn đề môi trường hiện là điều quan trọng nhất trong thế giới kinh doanh", tỷ phú Nhật chia sẻ. "Nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề này, thì việc kinh doanh chẳng có nghĩa lý gì cả".

Theo Ngọc Trang/VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo