Doanh nghiệp - Doanh nhân

Xuất khẩu dệt may 2021 đã qua cơn bĩ cực?

Các DN dệt may vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió, đi từ thái cực này đến thái cực thác, thậm chí có lúc chênh vênh trên bờ vực phá sản. Chưa thoát khỏi khó khăn, song các DN kỳ vọng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2021 đạt 39 tỷ USD.

Năng lực phục hồi của Airbus trong năm 2020 / Toyota Việt Nam ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2020

Thiếu nguyên liệu, "đói" đơn hàng, thị trường khẩu trang bão hòa, đối tác lớn phá sản... là những câu chuyện mà các doanh nghiệp (DN)dệt may đã phải trải qua trong một năm 2020 đầy khó khăn.

Một năm sóng gió

"Có lẽ chúng tôi là DN chịu tổn thất và đau nhất trong số các bạn bè, đồng nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam", là câu chia sẻ mở đầu của ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP May Sông Hồng khi nói về một năm 2020.

Cụ thể, đó là biến cố khi đối tác lớn của công ty này ở Mỹ nộp đơn phá sản, trong khi May Sông Hồng còn tới khoảng 220 tỷ đồng chưa kịp thu về.

xuat-khau-det-may-2021-6446-1610956130.j

Ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu đạt39 tỷ USD trong năm 2021.

Ông Thịnh chia sẻ: "Khi nghe tin, tôi rất sốc. Đó là một tin thật sự khủng khiếp". Năm 2020, DN tưởng đã nắm trọn trong tay một kế hoạch khả dĩ mà ở đó đã hội tụ đầy đủ các yếu tố chắc chắn với khoảng 5.000 tỷ đồng doanh thu và khoảng 600 tỷ đồng lợi nhuận.

"Nhưng dịch bệnh đã lấy đi của chúng tôi, tuy chưa phải là tất cả nhưng mất rất nhiều và rất đau", ông Thịnh chua chát.

Song sau khi bình tĩnh lại, Chủ tịch May Sông Hồng cho biết hàng loạt mệnh lệnh khẩn cấp được phát đi toàn công ty. Cụ thể, tất cả các Quỹ dự phòng tài chính và vốn chủ của công ty trên 1.300 tỷ đồng đều được kích hoạt và sẵn sàng ở mức tối đa để ứng phó với các tình huống xấu nhất. "Cơ cấu các khách hàng và đơn hàng để miễn sao công nhân có việc để làm và cố gắng hết sức để công ty không bị thua lỗ hay tổn thất tiếp", ông Thịnh nói.

Đến phút này thì ông Thịnh đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi mà nhịp sống và làm việc của May Sông Hồng đã trở lại bình thường. Ông hồ hởi cho hay: Tuy khó khăn còn rất nhiều, nhưng công ty vẫn sẽ để công nhân nhận được đủ hai tháng lương 13, 14 và quà thưởng vào dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Đại diện một DN dệt may khác, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG kể, trong bối cảnh "ăn đong" đơn hàng, nhận thấy nhu cầu mới từ thị trường, TNG đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để xuất khẩu (XK). Dịch COVID-19 đã giúp DN này đẩy mạnh mảng ODM (tự phát triển thiết kế và nguyên vật liệu) và OBM (tự phát triển thương hiệu).

 

Đặc biệt, COVID-19 cũng là động lực giúp TNG tích cực liên kết với các DN khác ở Việt Nam để chủ động được hơn 70% nguyên vật liệu cho các sản phẩm y tế.

Giống như TNG, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết để đối phó với dịch bệnh, DN này đã kết nối với với DN cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để tạo ra nguồn nguyên liệu phù hợp về xuất xứ, đảm bảo chất lượng, từ đó tận dụng cơ hội từ các FTA như CPTPP, EVFTA...

2021 chưa hết khó

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2020, ngành dệt may đã nhanh chóng thích nghi với các điều kiện thị trường, đảm bảo duy trì sản xuất, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Kim ngạch XK của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm tới 25%.

Theo dự báo, thị trường dệt may phục hồi nhu cầu về mức của năm 2019, sớm nhất là quý II/2020 và chậm nhất là quý IV/2023. Vì vậy, 2021 vẫn còn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn.

 

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, ngành này vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và bất định từ xu hướng giảm giá, hàng hóa đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu mới. Tuy nhiên, năm 2021, ngành dệt may vẫn sẽ đặt kế hoạch XK cao nhất 39 tỷ USD.

Đại diện Vinatex kiến nghị, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất; đồng thời tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới hậu COVID-19.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng cần xây dựng liên kết chuỗi cho ngành công nghiệp dệt may. Đặc biệt, để chủ động nguồn cung, cộng đồng DN cần tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, nhất là việc chia sẻ thông tin, đơn hàng.

Mặt khác, các DN dệt may kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương cần chỉ đạo quyết liệt để hình thành các khu công nghiệp sản xuất phụ trợ và nguyên liệu cho ngành dệt may. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành dệt may giải quyết tốt bài toán về quy tắc xuất xứ trong việc tận dụng ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại tự do.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm