Zhou Qunfei: Từ công nhân đến nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới
DNVN - Zhou Qunfei là người sáng lập “đế chế” Lens Technology - một trong những nhà sản xuất màn hình cho Apple, Huawei, Samsung...
Nữ CEO 3 công ty, kiếm tiền tỷ mỗi tháng nhận định: "Hạnh phúc của phụ nữ được đo bằng sự tử tế của đàn ông" / Nữ "cá mập" mới toanh trong Shark Tank Việt Nam mùa 3 là ai?
Trong khi hầu hết các nữ tỷ phú khác đều có gia tài thông qua việc nhận thừa kế. Năm 2018, với tài sản ròng trị giá 7,4 tỷ USD, nữ doanh nhân 48 tuổi Zhou Qunfei đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới theo danh sách của tạp chí Forbes.
Sinh năm 1970, Zhou Qunfei lớn lên trong một ngôi làng nghèo khó ở tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Trung của Trung Quốc. Zhou đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, mẹ mất khi mới 5 tuổi, cha bị mất một phần thị lực và bị mất một ngón tay vì tai nạn lao động. Khi còn nhỏ, Zhou đã phải bắt đầu nuôi heo và vịt để có thêm nguồn thức ăn và thu nhập cho gia đình.
Nữ doanh nhân Zhou Qunfei. Ảnh: CNN.
Ở tuổi 16, bỏ lại giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang,bà buộc phải nghỉ học để đến làm việc cho một nhà máy sản xuất kính đồng hồ ở thành phố Thâm Quyến với mức lương 1 USD/ngày. Sau thời gian làm việc chăm chỉ, bà được thăng chức làm Giám đốc bộ phận sản xuất. Tuy nhiên, tham vọng của bà không dừng lại ở đó.
Năm 1993, Zhou quyết định khởi nghiệp. Chỉ với 3.000 USD trong túi, Zhou cùng 8 thành viên khác trong gia đình thành lập công ty sản xuất kính đồng hồ ngay tại một căn hộ 3 phòng ngủ ở Thâm Quyến. Đây là nơi làm việc và cũng là nơi sinh hoạt của họ.
Tại đây, Zhou đã học cách tự mình làm mọi thứ. Bà tự tay sửa chữa, học cách thiết kế máy móc sản xuất và các kỹ thuật in phức tạp để cải thiện chất lượng sản phẩm. Công ty của Zhou phát triển đều đặn, nhưng phải đến khi bà chuyển hướng sang sản xuất màn hình thủy tinh cho điện thoại di động thì công việc kinh doanh mới thực sự cất cánh.
Năm 2003, Zhou nhận được cuộc gọi từ Motorola hỏi rằng liệu bà có muốn trở thành nhà cung cấp của họ không. Khi đó, màn hình điện thoại hầu hết là bằng nhựa, và Motorola muốn chuyển sang dùng màn hình thủy tinh để chống trầy và cải thiện chất lượng hiển thị.
Chớp lấy cơ hội này, bà đã mở rộng công việc kinh doanh của mình ra phạm vi quốc tế. Hiện tại, Lens Technology đã sản xuất màn hình cho hàng tỷ chiếc điện thoại của Apple, Samsung và Huawei. Công ty cũng là nhà cung cấp của hãng xe điện Tesla của Mỹ.
Zhou cho rằng, thành công của bà chủ yếu là nhờ sự kiên trì. Theo bà, một trong những thử thách lớn nhất bà từng gặp phải là khi đánh bại các đối thủ để giành được hợp đồng với Motorola năm 2003.
Zhou kể lại: "Tôi từng đứng ở nhà ga Hung Hom ở Hong Kong và có ý định nhảy xuống để tự tử. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình không còn nữa thì mọi rắc rối cũng sẽ biến mất". Nữ doanh nhân thừa nhận đó là khoảnh khắc đen tối nhất trong sự nghiệp kinh doanh của bà.
Nhưng rồi cuộc điện thoại của con gái đã kéo Zhou trở về thực tại. Bà nhận ra rằng, mình không thể bỏ cuộc mà phải tiếp tục cố gắng vì gia đình và hàng nghìn nhân viên của mình. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của Motorola, Zhou đã vượt qua được những khó khăn về tài chính.
Năm 2004, Lens Technology đã bán được hơn 100 triệu sản phẩm cho riêng mẫu điện thoại V3 của Motorola. Đến năm 2007, Apple đã chọn Lens Technology làm nhà cung cấp màn hình kính cho siêu phẩm iPhone ra đời năm 2007. Chính điều này đã thúc đẩy Lens Technology đến vị tri thống lĩnh thị trường Trung Quốc.
Bước lên sàn chứng khoán năm 2015, 22 năm kể từ khi thành lập, Lens Technology đã ngay lập tức khiến cho giá trị tài sản ròng của Qunfei tăng gấp 4 lần, giúp bà trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Hiện Lens Technology có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau cùng hơn 90.000 nhân viên và được định giá hơn 11 tỷ USD.
Như Ngọc (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Nhà máy của Lens Technology tại Hồ Nam, Trung Quốc. Nguồn: Wikipedia