Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp thủy sản khó với "ma trận" thủ tục

Sau khi vừa thoát khỏi vụ kiện chống trợ giá tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp thủy sản lại tiếp tục nỗi lo về các thủ tục hành chính trong nước còn nhiều rào cản cho xuất khẩu.

Một ngành nghề hai quy chuẩn!

Mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có công văn kiến nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT… nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản, sau khi một số DN cho biết đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu quản lý, cấp phép, cấp chứng nhận của những cơ quan trên.

Điều khiến nhiều DN cảm thấy lo lắng nhất vẫn là quy định về quản lý môi trường có điều chỉnh tăng mức thuế với nước thải công nghiệp từ 6% - 10% so với trước. Trong tình cảnh khó khăn như hiện tại thì việc đội chi phí lên một cách bất ngờ cũng khiến nhiều DN trở tay không kịp.

Theo nhiều DN, câu chuyện tăng chi phí cũng chỉ là một mặt của vấn đề. Điều đáng ngại nhất vẫn là các thủ tục về quản lý môi trường thường chồng chéo, phức tạp, nhiều quy chuẩn khác nhau tạo nên bước cản lớn cho hoạt động đường dài.

 

DN thủy sản gặp khó vì thủ tục rườm rà

Một lãnh đạo của Vasep đưa ra dẫn chứng cụ thể là các nhà máy chế biến thủy sản cùng kinh doanh một ngành nghề nhưng lại phải tuân thủ 2 quy chuẩn (QC) khác nhau. Nếu nhà máy nằm ngoài khu công nghiệp thì áp dụng theo QCVN11. Còn nhà máy nào nằm trong khu công nghiệp thì áp dụng theo QCVN40 với các yêu cầu, thông số thấp hơn QCVN11.

Cả hai trường hợp đều phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Tuy vậy điều rối rắm nhất là quy định không nhất quán ở mỗi địa phương, khiến một số DN ngành đặc thù nhưng không được hưởng những ưu tiên đặc thù và cách tính phí bảo vệ môi trường cũng khác nhau.

Thậm chí xin giấy phép kiểm dịch với hàng mẫu thủy sản nhập khẩu cũng trở nên khó khăn. Thực tế, khi DN yêu cầu khách hàng gửi hàng mẫu thủy sản đông lạnh để khảo sát chất lượng nguyên liệu trước khi quyết định mua để sản xuất thử, hoạt động này không mang mục đích thương mại với số lượng nhỏ. Nhưng theo quy định hiện nay, DN vẫn phải thực hiện rất nhiều khâu đăng ký, kiểm tra, gây mất thời gian và phát sinh thêm chi phí.

Ảnh hưởng đến cạnh tranh trong xuất khẩu

Trên phương diện tư vấn đầu tư cho DN Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM cho rằng: “18 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản và kiểm dịch thủy sản cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đang khiến cho cả nhà nghiên cứu lẫn nhà đầu tư, DN như bị lạc vào một “rừng” thủ tục. việc định hướng cho xuất khẩu của nhiều DN, đặc biệt là DN mới trở nên khó khăn hơn.”

Phản ứng từ phía DN, Đại diện Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, họ gặp khó khăn liên quan đến giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) với hàng xuất khẩu, khiến cho DN bị lỡ đơn hàng vì thời gian giải quyết thủ tục rườm rà, phức tạp. Tại Thông tư 06/2010/TT, Bộ NN&PTNT có quy định việc đăng ký kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu phải có H/C do cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều khách hàng muốn chuyển nguyên liệu sang Việt Nam để gia công, chế biến nhưng không thể thực hiện được do khách hàng không được cấp H/C do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp theo quy định mà Bộ NN&PTNT đưa ra, do hàng hóa lại nằm trong kho ngoại quan của một nước khác…

Giám đốc Kinh doanh của Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho rằng: “Với những DN có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nhiều khi còn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu khi xin giấy phép, làm thủ tục hoặc không biết vướng mắc nằm ở khâu nào, bộ nào thì với những DN “chân ướt, chân ráo” vào ngành có lẽ phải bó tay chịu thua.

Có nhiều công đoạn kiểm dịch về cùng một vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng hạn, nhiều khi phải qua đến 2 - 3 cửa cùng kiểm tra như nhau dẫn đến chi phí, thời gian chờ đợi của DN cũng tăng lên tương đương gấp 2 - 3 lần. Một số chuyên gia cho rằng, đây là yếu tố chính khiến DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận. Bởi vì, dù là vấn đề thủ tục hành chính nhưng lại có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Vasep cho rằng, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch thủy sản trong sản xuất, xuất nhập khẩu mà Vasep và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổng hợp được, thủ tục hành chính liên quan đến thủy sản hiện nay còn rườm rà, chồng chéo khiến DN khó tiếp cận, giải quyết chậm làm tăng chi phí, tốn nhiều thời gian, công sức.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo