Khám phá

Doanh nghiệp Việt Nam ít sáng tạo, thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển

Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc tế “ Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp giống như “trái tim” đối với công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, năng lực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại còn “non trẻ và manh mún”.

Trong hai ngày, 24 – 25/11/2014, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “ Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” với sự tham gia của trên 150 đại biểu quốc tế và Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của hội thảo là công bố báo cáo tổng quan về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam do Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) thực hiện.
 

“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả tại Việt Nam” - Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh


Ông Gang Zhang, Chánh văn phòng, Ban Nghiên cứu và Thống kê quốc gia, Vụ Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp, OECD nhận định, về mặt tổng quan năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viêt Nam còn khá yếu. Mức đầu tư trong nghiên cứu và phát triển khá thấp. So với tỷ trọng GDP là rất thấp, chỉ chừng khoảng 0,2%. Con số này so với một số nước OECD hay các quốc gia mới nổi thì mức đầu tư này của Việt Nam là rất nhỏ.

Đáng chú ý là bức tranh tại Việt Nam dường như đối lập với nhiều quốc gia khác khi hơn 90% tổng lượng đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là từ chính phủ; khối tư nhân và doanh nghiệp chỉ khoảng 10%. Ông  Michael Braun chia sẻ: “ Ở Đức khoảng 2/3 đóng góp hay nghiên cứu trong toàn bộ đổi mới khoa học công nghệ là của tư nhân còn ở Việt Nam hầu như chính phủ chi cả. Chúng tôi nghĩ rằng điều này cần thay đổi. Vì đầu tư này của khu vực tư nhân thì cũng chính là cho năng lực của họ.”. Còn tại Trung Quốc, khu vực tư nhân chiếm tới 80% tổng lượng đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo còn khối công (nhà nước) chiếm rất ít.

Ông Braun cũng phân tích thêm, Việt Nam là một xã hội vẫn có nhiều thành tố có khu vực công, khu vực tư trong đó có khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khối đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên khối này khá phân rẽ. Hầu hết các sản phẩm công nghệ là đến từ nước ngoài hơn là nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong đó có vừa và nhỏ.  Cần phải nhấn mạnh thêm vài trò và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thị trường hội nhập toàn cầu đặc biệt là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.

Bên cạnh những mặt hạn chế, OEDC cũng thừa nhận trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, mức tăng thu nhập của người dân… Ông Gang Zang bày tỏ : Chúng tôi tin tưởng Việt Nam đang hướng tới một hiện trạng mới, nền tảng của một quốc gia mới mà ở đó mối quan hệ giữa 3 nhà (chính phủ - nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu và phát triển – doanh nghiệp ) sẽ trở nên mang tính định hướng thị trường hơn. Trong đó khu vực tư nhân doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống này.

Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: đã đến lúc phải có những hành động hiệu quả

Báo cáo của OECD tại Hội nghị nêu rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với hệ thống KH&CN, đổi mới sáng tạo; đồng thời đưa ra những khuyến nghị với Việt Nam nhằm đẩy mạnh hoạt động này, góp phần phục vụ phát triển bền vững.

Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo khuyến nghị để tăng năng suất lao động qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam không nên sao chép mô hình của các nước khác do điều kiện chính trị - xã hội mỗi nước khác nhau. Ông  Michael Braun chia sẻ về kinh nghiệm của Đức, khoa học công nghệ chỉ có thể tác động đến kinh tế nếu đổi mới sáng tạo trở thành một phần gắn kết của phát triển khoa học công nghệ và đưa khả năng chuyển dịch tri thức trở thành sản phẩm hay dịch vụ định hướng cho nhu cầu thị trường. Điều đó chỉ có thể làm được với sự tham gia của khu vực tư hay sự vào cuộc của các doanh nghiệp.

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn. Để hạn chế nguy cơ rơi vào “ bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo. “Tăng trưởng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc phải đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” – Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.


 

Thu Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo