“Thước đo” mới thúc đẩy doanh nghiệp khai thác hiệu quả FTA
Doanh nghiệp Việt cần hành động ra sao trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung? / Vì sao thép cuộn cán nóng của Hòa Phát 'thoát' thuế chống bán phá giá từ EU?
Chiều 8/4 tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương (FTA Index) năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chứng kiến sự kiện quan trọng này.
Đây được xem là bước tiến lớn trong công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, khi lần đầu tiên có một bộ chỉ số đánh giá toàn diện, khách quan và định lượng về mức độ thực thi các cam kết FTA tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng – điển hình là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế từ 10% đến 49% đối với hàng hóa nhập khẩu – thì các Hiệp định thương mại tự do vẫn là “xa lộ lớn” kết nối và thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia.
Theo Bộ trưởng, việc thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, như mở rộng và đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, sản phẩm xuất khẩu; giúp hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, năm 2024 tiếp tục là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, với mức thặng dư kỷ lục gần 25 tỷ USD – đóng góp quan trọng vào ổn định tỷ giá, gia tăng dự trữ ngoại hối và củng cố các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quá trình triển khai FTA thời gian qua. Việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp còn chưa đồng đều, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin, chưa hiểu rõ các cam kết cụ thể, hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường và lao động.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong triển khai FTA vẫn chưa thật sự đồng bộ, làm giảm hiệu quả lan tỏa của các hiệp định.
Từ thực tế đó, Bộ chỉ số FTA Index ra đời với kỳ vọng trở thành công cụ minh bạch, khách quan, toàn diện, cung cấp dữ liệu tham chiếu có giá trị cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và điều hành chính sách xuất nhập khẩu sát thực, hiệu quả.
“FTA Index không chỉ là thước đo, mà còn là động lực giúp các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội từ các hiệp định, góp phần duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Việc khảo sát, xây dựng và hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index 2024 là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Không chỉ là công cụ “so sánh”, FTA Index sẽ giúp các bên nhận diện rõ khoảng cách trong việc thực thi cam kết FTA, từ đó thúc đẩy cải thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hội nhập.
Bộ chỉ số FTA Index được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính: công tác tuyên truyền, phổ biến FTA; thực hiện quy định pháp luật về FTA; chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai các cam kết về phát triển bền vững.
Tổng điểm của từng địa phương được tính dựa trên thang điểm 10 cho mỗi chỉ số thành phần, hợp thành tổng điểm tối đa là 40.
Theo bảng xếp hạng, top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về điểm số FTA Index năm 2024 gồm: Cà Mau (34,9 điểm), Thanh Hóa (34,1 điểm), Bình Dương (34 điểm), Khánh Hòa (32,9 điểm), Trà Vinh (32,7 điểm), Long An (32,5 điểm), Hà Giang (32,4 điểm), Bạc Liêu (32,4 điểm), Ninh Bình (31,7 điểm), Điện Biên (31,7 điểm).
End of content
Không có tin nào tiếp theo