Cạnh tranh

Luẩn quẩn với bài toán chứng nhận Halal, doanh nghiệp mất cơ hội cạnh tranh

DNVN - Theo phản ánh của doanh nghiệp, vấn đề xin cấp chứng chỉ Halal như một bài toán luẩn quẩn bởi chi phí cấp giấy chứng nhận cho 1 sản phẩm đắt đỏ, trong khi chứng chỉ có thể chỉ vào được 1 thị trường, Việt Nam lại quá ít đơn vị cấp chứng chỉ Halal, từ đó hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Gen Z tiêu nhiều nhưng ít trung thành với thương hiệu, doanh nghiệp cần làm gì? / Mỹ siết chặt quy định phòng vệ thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì?

Tầm quan trọng của chứng nhận Halal

Chứng nhận HALAL là một xác nhận chính thức rằng sản phẩm hoặc dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn Hồi giáo về thành phần và quy trình sản xuất. Chứng nhận Halal không chỉ là một tiêu chuẩn tôn giáo mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao uy tín sản phẩm.

Có chứng nhận Halal, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận thị trường tiềm năng với hơn 2 tỷ người Hồi giáo tại 57 quốc gia sử dụng sản phẩm Halal. Nhu cầu Halal ngày càng tăng, không chỉ trong thực phẩm mà còn ở mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và logistics.

Việc sở hữu chứng nhận Halal giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội xuất khẩu. Các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Đông, châu Âu yêu cầu chứng nhận Halal để nhập khẩu hàng hóa. Sản phẩm Halal được đánh giá cao về chất lượng và độ an toàn.

Ngoài ra, chứng nhận Halal giúp khẳng định chất lượng và sự minh bạch trong sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Đồng thời bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, sạch khi nhiều người tiêu dùng hiện đại không chỉ là người Hồi giáo, quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn và có đạo đức.


Chứng nhận Halal là chìa khóa để doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao uy tín sản phẩm.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/4, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao. Việt Nam còn sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

Rào cản chứng nhận Halal

Hội nghị ghi nhận một số ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, thương vụ về rào cản khi tiếp cận thị trường Halal. Ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, một trong những rào cản lớn đối với hàng Việt khi tiếp cận thị trường Halal chính là vấn đề chứng nhận Halal. Mặc dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Malaysia, song lại là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ nước sở tại. Việc chưa có chứng nhận Halal khiến nhiều sản phẩm Việt khó tìm được vị trí trong hệ thống bán lẻ tại Malaysia.

Hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước trong khu vực đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Malaysia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Các quốc gia này có ưu thế về sản phẩm phong phú, mẫu mã đa dạng, hệ thống phân phối rộng khắp và đặc biệt là sự am hiểu sâu sắc thị trường tiêu dùng Hồi giáo.

Một thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp phải là việc thiếu nghiên cứu và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng địa phương.


Một trong những rào cản lớn đối với hàng Việt khi tiếp cận thị trường Halal chính là vấn đề chứng nhận Halal.

Đặc biệt, quy trình xin cấp chứng nhận Halal tại thị trường Malaysia cũng được đánh giá là phức tạp và tốn kém. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như chi phí liên quan đến việc xin chứng nhận. Điều này dẫn đến thực tế là số lượng sản phẩm có chứng chỉ Halal của Việt Nam còn rất hạn chế.

Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group cho biết, doanh nghiệp đã theo tiêu chuẩn Halal từ lâu, đã đi xúc tiến các thị trường Hồi giáo như Malaysia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Song, chi phí cấp giấy chứng nhận Halal rất đắt đỏ, khoảng 45 triệu cho mỗi chứng chỉ/1 sản phẩm, trong khi chứng chỉ đó có thể chỉ vào được 1 thị trường Halal.

"Doanh nghiệp có chứng nhận Halal tại thị trường UAE nhưng khi muốn sang thị trường Malaysia, chúng tôi lại phải làm một chứng chỉ khác. Mỗi chứng chỉ chỉ áp dụng cho 1 sản phẩm, chi phí cho 1 sản phẩm lại quá cao, không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng triển khai được.

Xuất khẩu 1 sản phẩm cũng phải thiết lập đội ngũ nhân sự như xuất khẩu 10 hay 20 sản phẩm. Điều này thực sự gây khó cho doanh nghiệp. Vấn đề xin cấp chứng chỉ như 1 bài toán luẩn quẩn, trong khi Việt Nam quá ít đơn vị cấp chứng chỉ Halal, từ đó hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp", bà Hằng nêu.

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group mong muốn Bộ Công Thương giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam các đơn vị chứng nhận Halal tại các thị trường, bởi mỗi quốc gia đạo Hồi cấp giấy halal riêng cho từng thị trường/quốc gia nên chi phí cấp giấy theo từng sản phẩm chi phí rất cao. Doanh nghiệp này cũng kiến nghị cơ quan quản lý các cơ chế hỗ trợ chi phí làm giấy chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu các tiêu chuẩn chứng nhận Halal được công nhận tại thị trường sở tại. Trong đó, chứng nhận Halal do Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam (HCA) cấp, hiện đã được cơ quan Hồi giáo Malaysia (JAKIM) công nhận. Ngoài HCA, còn có các tổ chức khác được công nhận và doanh nghiệp có thể lựa chọn để tối ưu chi phí, thời gian.

Để hàng Việt có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Halal, đại diện Thương vụ Malaysia khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm